QĐND Online – Ngày 25-6, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 89,47% tổng số đại biểu tán thành. Luật gồm 7 chương, 77 điều.

Đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

 

Theo luật được thông qua, thu ngân sách Nhà nước bao gồm: Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí; toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật; các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.     

Chi ngân sách Nhà nước bao gồm: Chi đầu tư phát triển; chi dự trữ quốc gia; chi thường xuyên; chi trả nợ lãi; chi viện trợ; các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

 

Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách Nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.       

 

Ngân sách Nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao để chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách; trường hợp đặc biệt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp bội thu ngân sách thì được sử dụng để trả nợ gốc và lãi các khoản vay của ngân sách Nhà nước.      

Vay bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017. Do vậy, đối với quyết toán ngân sách các năm 2015, 2016, áp dụng theo các quy định của Luật ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11. Thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015 được kéo dài đến hết năm 2016. Thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo được tính từ năm 2017 đến năm 2020.

 

Ít nhất 18% người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số

Ngày 25-6, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với tỷ lệ tán thành cao, đạt 90,89% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Luật gồm 10 chương, 98 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015.

Bên cạnh nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc dự kiến số lượng người được giới thiệu ứng đại biểu Quốc hội (Điều 8), có ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số lên thành 20% -25%; nâng tỷ lệ người ứng cử đại biểu là nữ lên thành 38%-40%. Giải trình vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng hiện tại số đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội mới chỉ đạt 15,6%, số đại biểu là nữ mới đạt 24,4%. Do đó, quy định tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và là nữ như trong dự thảo Luật là hợp lý. Tuy nhiên, Luật cũng chỉ quy định mức tỷ lệ tối thiểu cần đạt được. Tùy theo tình hình, yêu cầu của từng nhiệm kỳ, từng cuộc bầu cử mà tỷ lệ này có thể được xác định ở mức cao hơn.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 8 với tỷ lệ 88,46% tán thánh. Theo đó, căn cứ vào dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Cùng với đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Quốc hội cho chỉnh lý quy định tại Điều 9 theo hướng bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ. Đối với số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số tại Hội đồng nhân dân từng cấp, từng địa phương thì cần được xác định cụ thể căn cứ theo đặc điểm dân cư, yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương. Do đó, chỉ quy định: “Số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương”.

XUÂN DŨNG