Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp đã có nhiều đổi mới, cải cách mạnh mẽ, đề ra phương châm hành động, tham mưu cho Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới, góp phần quan trọng vào thành tựu chung phát triển KT-XH của đất nước.
Nhiều chính sách then chốt tạo động lực cho kinh tế phát triển
Nêu lại bối cảnh 5 năm trước khi đất nước bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đó là khởi đầu đầy khó khăn, thách thức từ diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; trong nước, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung... gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Đứng trước những khó khăn, thử thách đó, Bộ KH&ĐT đã thực hiện tốt chức năng của một cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp, khẳng định vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”. Cụ thể, đã có những tham mưu, đề xuất mới về thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, mô hình kinh tế mới cũng như giải pháp điều hành kế hoạch phát triển KT-XH, đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển đất nước.
 |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để khơi thông các động lực phát triển. Ảnh: HỒNG VÂN |
Một trong những điểm nhấn của Bộ KH&ĐT trong nhiệm kỳ 2016-2020 là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Ngay năm đầu nhiệm kỳ, khi đất nước gặp nhiều khó khăn, Bộ KH&ĐT đã chủ trì tham mưu xây dựng Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tạo nên sự phát triển bùng nổ cho khu vực kinh tế tư nhân. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 128,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trung bình hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 63% về số doanh nghiệp và tăng 216% về số vốn so với giai đoạn 2011-2015. Sau đó, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, trình và bảo vệ thành công trước Quốc hội 6 đạo luật quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, gồm: Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Các quy định mới này đã giúp khơi thông những điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính.
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ lĩnh vực KT-XH, Bộ KH&ĐT đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, công điện, đề án, tờ trình, báo cáo về những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế.
Tư duy và tầm nhìn là phẩm chất thiết yếu của cán bộ kế hoạch và đầu tư
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc sẽ tác động tiêu cực và sẽ kéo dài đến kinh tế thế giới và Việt Nam... Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để biến thách thức thành cơ hội phát triển, phương châm hành động chung toàn ngành KH&ĐT trong năm 2021 là “Phát huy truyền thống, nắm bắt thời cơ, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, tư tưởng đổi mới, sáng tạo, tư duy phát triển, có tầm nhìn là những phẩm chất thiết yếu của một người cán bộ KH&ĐT. Để tham mưu tốt còn cần có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, có nhiệt huyết với công tác KH&ĐT. Chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm.
Năm 2021, Bộ KH&ĐT xác định 13 nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là tập trung vào thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ. Tập trung vào các khâu đột phá chiến lược, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, quan trọng phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh đến việc quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Đối với kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, Bộ KH&ĐT sẽ lựa chọn, nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình, có quy mô phù hợp, hiệu quả; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; ngành KH&ĐT tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm chi phí và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức...
KHÁNH AN