QĐND Online –
Đó là khẳng định của GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương, Trưởng ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng.


Theo GS. TS Nguyễn Trần Hiển, cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc-xin. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc-xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc-xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Theo các chuyên gia y tế Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), vắc-xin sởi lần đầu tiên được nghiên cứu vào năm 1954 và được đưa vào sử dụng vào những năm 60 của thế kỷ 20. Vắc-xin sởi là vắc-xin sống giảm độc lực được sản xuất dưới dạng vắc-xin đơn giá hoặc phối hợp với vắc-xin quai bị, hoặc Rubella hoặc phối hợp với cả hai thành vắc-xin MMR, hoặc với vắc-xin thuỷ đậu thành MMRV.

Vắc-xin sởi khi tiêm chủng sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào như sau khi nhiễm sởi tự nhiên nhưng hàm lượng kháng thể thấp hơn. Nồng độ kháng thể ở trẻ được sinh ra từ bà mẹ được tiêm phòng thấp hơn nồng độ ở trẻ được sinh ra từ các bà mẹ mắc sởi tự nhiên. Sau khi tiêm vắc-xin sẽ thấy xuất hiện kháng thể IgM trong máu và kháng thể IgA trong các chất tiết một trong thời gian ngắn, kháng thể IgG tồn tại trong máu trong nhiều năm.

Vắc-xin sởi MVVAC được sản xuất bởi Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế sản xuất. Ảnh: polyvac.com.

Tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống thường không tạo được đáp ứng miễn dịch do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và do vẫn còn tồn tại kháng thể trung hòa từ mẹ truyền sang. Theo nhiều kết quả nghiên cứu trên khắp thế giới, trẻ được tiêm 1 liều  vắc-xin vào lúc 8 - 9 tháng tuổi thì tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh trung bình là 89,6%; tiêm vào lúc 11 – 12 tháng tuổi thì tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh là 99%. Tiêm vắc-xin nhắc lại cho các trẻ không có đáp ứng miễn dịch từ lần tiêm đầu tiên sẽ tạo được đáp ứng miễn dịch ở 97%.

Mặc dù nồng độ kháng thể có được sau tiêm vắc-xin suy giảm theo thời gian và có thể không phát hiện được, nhưng miễn dịch vẫn tồn tại và sau khi tiếp xúc với virus sởi, hầu hết những người đã được tiêm phòng sẽ có đáp ứng miễn dịch bảo vệ. Sau khi tiêm vắc-xin, kháng thể tồn tại trong thời gian dài từ 26 đến 33 năm, tuy nhiên, hiện không rõ nếu chỉ tiêm 1 liều vắc-xin sởi mà sau đó không phơi nhiễm với virus sởi thì có tạo được miễn dịch bảo vệ suốt đời hay không.


Trước kia, vắc-xin sởi được khuyến cáo tiêm 1 liều duy nhất. Tuy nhiên, vì tiêm 1 liều vắc-xin vào lúc 9 tháng tuổi chỉ tạo được miễn dịch bảo vệ cho khoảng từ 85 đến 90% trẻ được tiêm, do đó, lịch tiêm này không đủ để phòng chống dịch. Từ năm 2008, 192 trong số 193 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới đã áp dụng tiêm 2 mũi vắc-xin sởi. Lịch tiêm mũi 1 và mũi 2 khác nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, mục tiêu kiểm soát bệnh (như giảm tỷ lệ tử vong hoặc loại trừ bệnh sởi), cơ sở hạ tầng dịch vụ y tế, khả năng tiếp cận với các trẻ thuộc các lứa tuổi khác nhau của chương trình. Để phòng ngừa có hiệu quả thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt ≥ 90% ở cấp quốc gia và ≥ 80% ở cấp huyện. Khi có dịch, việc tiêm vắc-xin chống dịch có thể làm giảm số mắc và giảm sự lan truyền của dịch, đặc biệt khi công tác tiêm chủng được triển khai sớm, bao phủ được nhiều lứa tuổi và đạt tỷ lệ cao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắc-xin sởi là an toàn, phản ứng sau tiêm vắc-xin thường nhẹ và thoáng qua. Đau tại chỗ tiêm có thể xuất hiện trong vòng 24 giờ, đôi khi có sốt nhẹ. Khoảng từ 7 đến 12 ngày sau tiêm, khoảng 5% số trường hợp có thể bị sốt hơn 39 độ C trong vòng từ 1 đến 2 ngày, đôi khi kèm theo co giật (khoảng 1 trường hợp/3.000 liều sử dụng). Phát ban có thể xuất hiện với tỷ lệ 2%. Phản ứng quá mẫn rất hiếm gặp, khoảng 1 trường hợp/100.000 liều sử dụng.

Tại Việt Nam, vắc-xin sởi được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng do Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế sản xuất, có tên thương mại là MVVAC, là vắc-xin sống giảm độc lực, dạng đông khô. Vắc-xin được sản xuất dưới sự chuyển giao công nghệ của viện Kitasato, Nhật Bản. Chủng sản xuất là chủng AIK-C do Viện Kitasato cung cấp có nguồn gốc từ chủng Admonston. Liều 0,5ml. Vắc-xin được sản xuất trong dây truyền được Nhật Bản hỗ trợ xây dựng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) của Tổ chức Y tế thế giới. Vắc-xin sởi MVVAC được tiêm mũi thứ nhất cho trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai cho trẻ 18 tháng tuổi. Tính đến năm 2013, POLYVAC đã  sản xuất  và cung cấp 15 triệu liều vắc-xin cho chương trình TCMR để sử dụng trong toàn quốc, chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng do tiêm vắc-xin này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sử dụng các vắc-xin phối hợp MMR nhập khẩu từ nước ngoài để tiêm chủng dịch vụ, độ tuổi tiêm chủng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tới nay, chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đối với các vắc-xin này.

NGUYỄN THẢO

Thêm 51 trường hợp mắc sởi mới

Bộ Y tế quyết giảm tối đa số ca tử vong và mắc mới sởi

Hà Nội đã cơ bản khống chế được dịch sởi

Không có trường hợp nào tử vong do sởi trong ngày 20-4

Ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi”

Dịch sởi nhiễm chéo phức tạp, số nhiễm mới đang giảm

Tiêm phòng mới khống chế được dịch sởi

Tiêm vắc-xin đúng lịch để phòng bệnh sởi cho trẻ em

Đã có 8.521 ca mắc, 112 ca tử vong do sởi

Cách phòng ngừa biến chứng của sởi hiệu quả

Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào?

Vì sao Bộ Y tế chưa công bố dịch?

Khu vực điều trị bệnh sởi phải có biển cảnh báo

Phòng bệnh sởi, không có cách nào hiệu quả hơn tiêm phòng

Vì sao nên hạn chế chuyển trẻ bị bệnh sởi lên bệnh viện tuyến trên

Chăm sóc con đúng cách khi bị bệnh sởi

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung phòng, chống bệnh sởi