Thứ trưởng Trần Quốc Khánh.

Phóng viên (PV): Tình hình XK gạo ở Việt Nam thời gian qua diễn ra như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2020, XK gạo đạt gần 930.000 tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ. Tại một số thị trường, lượng XK tăng rất mạnh, như: Malaysia, Trung Quốc… Đây là nguyên nhân chính khiến giá thóc, gạo trong nước cũng biến động mạnh, tăng khoảng 20-25% tùy theo chủng loại.

PV: Thưa ông, tác động từ một số thị trường nêu trên như thế nào đối với công tác điều hành XK gạo ở trong nước?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Thị trường XK gạo lớn nhất của chúng ta là Philippines. Đứng thứ hai là Malaysia rồi đến Iraq và một số nước châu Phi. Với thị trường Trung Quốc, XK gạo hai tháng đầu năm chỉ đạt 66.000 tấn, không đáng kể so với 930.000 tấn gạo chúng ta đã XK. Dù có tốc độ tăng XK gạo nhanh sang Trung Quốc nhưng cần nhìn vào con số tuyệt đối thì lượng gạo XK sang Trung Quốc rất thấp.

Chế biến gạo tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: KHẮC KIÊN

PV: Hạn mặn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng thế nào đến XK gạo của Việt Nam thời gian tới, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Theo các số liệu đánh giá mới nhất chúng tôi nhận được, hạn mặn sẽ ảnh hưởng đến hơn 40.000ha lúa ở ĐBSCL, dao động 11-12% so với tổng diện tích bị ảnh hưởng trong kỳ hạn mặn hồi năm 2016. Nếu hạn mặn chỉ dừng ở mức độ đó thì tác động đến sản lượng của ĐBSCL không nhiều. Với tình hình này, vai trò của các doanh nghiệp XK gạo hiện nay là phải tiêu thụ hết hàng hóa, lúa gạo cho nông dân. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các doanh nghiệp XK gạo phải chung tay với quốc gia, bảo đảm nghiêm túc về việc luôn phải thực hiện dự trữ lưu thông 5% lượng gạo XK trước đó được quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo. Các doanh nghiệp XK phải nghiêm túc thực hiện quy định này, để lúc nào Nhà nước cần sẽ huy động.

PV: Hiện có ý kiến cho rằng, việc đột ngột yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng XK gạo sẽ gây thiệt hại khi doanh nghiệp đơn phương phá vỡ hợp đồng với đối tác, Bộ Công Thương có ý kiến gì?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi hiểu quyết định này có thể gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, chứ không phải là hủy hợp đồng. Chúng tôi cũng đã tính toán để có phương án giảm thiểu khó khăn, thiệt hại đối với doanh nghiệp. Điển hình, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn vì phải vay vốn ngân hàng, dự kiến Bộ Công Thương sẽ làm việc với ngân hàng để giãn thời gian trả nợ. Quan điểm của chúng tôi là phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đây là điều quan trọng nhất, là ưu tiên cao nhất, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và hạn mặn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay. Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp chung tay với Chính phủ.

PV: Thời gian tới, trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra như dịch bệnh kéo dài hoặc thiên tai, Bộ Công Thương sẽ có các kịch bản ứng phó như thế nào để bảo đảm cung ứng mặt hàng nhu yếu phẩm, trong đó có gạo?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Về các kịch bản, Bộ Công Thương đã có tính toán, chuẩn bị tất cả kịch bản lưu thông phân phối hàng hóa, không để thiếu hàng hóa cục bộ ở bất kỳ nơi nào. Cụ thể, trong trường hợp dịch kéo dài, đã có dự trữ quốc gia về mặt hàng gạo. Vấn đề này, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tăng cường dự trữ quốc gia. Cùng với đó, theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo đã yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ lưu thông 5% lượng XK trước đó của doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta có một lượng dự trữ nữa trong các doanh nghiệp. Cùng với đó, với sản lượng hiện đã thu hoạch 9 triệu tấn lúa, tương đương 4 triệu tấn gạo, trong điều kiện sản xuất bình thường tôi khẳng định sẽ không thiếu gạo mà còn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và XK.

Xuất phát từ tất cả những yếu tố trên, Bộ Công Thương đánh giá, trong điều kiện nếu dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta vẫn có khả năng bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia. Tuy nhiên, về tốc độ XK, chúng ta vẫn cần có các giải pháp kiểm soát nhất định.  Bởi trong điều kiện hiện nay, dịch Covid-19 đang có những diễn biến khá phức tạp, do đó vấn đề bảo đảm an ninh lương thực phải được đặt lên hàng đầu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VŨ DUNG (thực hiện)