Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc về việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ để DN nâng cao khả năng chống chịu và vượt lên sau dịch trong năm 2021.
Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam bị tác động tiêu cực vì Covid-19
 |
Ông Vũ Tiến Lộc. |
Phóng viên (PV): Mới đây, VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo “Tác động của dịch Covid-19 đối với DN Việt Nam”. Đâu là những điểm đáng lưu ý trong báo cáo này, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Báo cáo này được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát hơn 10.000 DN tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2020, cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cách thức ứng phó của DN. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2020 là một năm đầy khó khăn khi gần 90% DN bị tác động nặng nề bởi dịch, với nhiều hệ lụy, như: Giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn... Nhiều DN phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Đối tượng DN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các DN trẻ chưa đầy 3 năm tuổi. Ảnh hưởng từ dịch bệnh tác động nghiêm trọng tới doanh thu của các DN trong năm 2020. Cụ thể, 65% DN tư nhân và 62% DN FDI cho biết, doanh thu của họ bị giảm so với năm 2019. Do tác động của dịch Covid-19, năm 2020 cũng là năm mà số lượng DN rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 100.000 DN...
Song, năm 2020 cũng là năm ghi dấu về sự kiên cường vượt lên khó khăn của cộng đồng DN. Nhiều DN đã thay đổi lại chiến lược, tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn nhân lực, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ; đồng thời đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai... Đó là những bài học và trải nghiệm vô giá từ dịch Covid-19 mang tới cho DN.
PV: Ông đánh giá như thế nào về sức chống chịu của DN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trong cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, các DN đã chịu rất nhiều tổn thất, và sự chống chịu của cộng đồng DN đang đứng trước những giới hạn.
 |
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (Vĩnh Phúc). Ảnh: MINH ĐỨC |
PV: Các gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào với DN, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa, như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất; các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng... 75% DN cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích.
Cần những chính sách mang tính dài hạn
PV: Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, DN cần có những hỗ trợ gì?
Ông Vũ Tiến Lộc: Nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận về tài khóa, tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn, vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây, rất cần được gia tốc. Và đó chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phục hồi và phát triển của DN.
Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng, thực thi bao giờ cũng là khâu yếu nhất. Tôi vẫn thường nói, nếu chính sách được đưa vào thực tiễn càng sớm thì càng hỗ trợ tốt hơn cho DN, thậm chí nếu sớm một ngày DN có thể sống và chậm một ngày, đôi khi DN không cần nữa. Vì vậy, cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi. Để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận được những gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các DN. Cũng cần có những chính sách tạo thuận lợi hơn cho các DN tư nhân để họ trụ vững và có khả năng vượt lên sau dịch; nhất là các chính sách về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.
PV: DN bắt buộc phải thay đổi, còn cơ quan quản lý sẽ cần phải làm gì, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. Theo nhiều dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, và chỉ có thể loại trừ hoàn toàn sau 4-5 năm nữa. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn. Cuối cùng, cần lan tỏa và nhân rộng được các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đó là kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN. Đối với các hiệp hội DN, cần chia sẻ cách thức ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 từ những DN đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của DN để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
KHÁNH AN (thực hiện)