Nỗi lo độc quyền và nợ thuế
Khi Grab và Uber tham gia tại thị trường Việt Nam, khách hàng đều nhận thấy sự tiện lợi của loại hình taxi công nghệ. Sự xuất hiện của Uber và Grab đã làm cho các hãng taxi truyền thống đã bị mất một số lượng lớn khách hàng, buộc họ phải có những văn bản gửi lên các cơ quan quản lý nhà nước đề nghị tạm dừng thí điểm taxi công nghệ.
Sự kiện Uber sáp nhập với Grab liệu có dẫn đến thế độc quyền? Đây là băn khoăn của rất nhiều khách hàng sau sự sáp nhập này. Điều này rất cần lời giải từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều khách hàng lo lắng có thể giá cước của Grab sẽ tăng cao, khuyến mãi sẽ giảm đi hoặc không còn. Là người từng sử dụng dịch vụ của Uber và Grab, ông Nguyễn Thanh Hải, tổ 25, phường Mai Dịch tỏ ra tiếc nuối khi Uber sáp nhập vào Grab. “Trước đây, tôi cài đặt cả hai ứng dụng Uber và Grab, mỗi khi cần đi đâu tôi thường kiểm tra xem hãng nào có khuyến mại tốt hoặc giá rẻ hơn thì tôi lựa chọn. Nay thì lựa chọn này đã không còn nữa khi ứng dụng Uber đã dừng hoạt động từ ngày 8-4. Chỉ mong rằng, giá dịch vụ của Grab sẽ không bị đẩy lên khi Uber đã rút khỏi thị trường”, ông Hải cho biết.
 |
Nhiều người lo ngại về sự độc quyền của Grab sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam. |
Sau khi Uber sáp nhập với Grab và rời khỏi thị trường Việt Nam, số nợ thuế của doanh nghiệp này đã gây xôn xao dư luận. Theo công bố của cơ quan chức năng, số tiền thuế mà Uber đang nợ là hơn 53 tỷ đồng. Vậy số tiền thuế này sẽ ra sao khi Uber không còn hoạt động tại Việt Nam? Chia sẻ vấn đề này, một lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh giấu tên cho rằng, không có chuyện để thất thu khoản thuế hơn 53 tỷ đồng mà Uber còn nợ. Hiện tại cơ quan thuế đang chờ các bên hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo đúng nguyên tắc pháp lý rồi sẽ tiến hành nắm bắt và yêu cầu các đối tượng này thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo nguyên tắc chuyển nhượng, sáp nhập thì bên nhận sáp nhập sẽ kế thừa những quyền lợi và nghĩa vụ, trong đó có cả vấn đề về thuế.
Trong khi đó, trao đổi với truyền thông, đại diện Grab Việt Nam cho rằng, đơn vị này không có trách nhiệm về khoản truy thu thuế của Uber bởi vì Grab mua lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber, chứ không mua lại pháp nhân của Uber.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc truy khoản thuế trên là không dễ bởi cho đến giờ phút này Uber đã rút khỏi thị trường Việt Nam. Khi Uber còn hoạt động và kinh doanh tại Việt Nam họ đã chây ì tiền thuế, giờ đây khi không còn hoạt động trong nước nữa thì số tiền thuế sẽ khó truy thu hơn gấp nhiều lần.
Cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước
Sau khi sáp nhập, Uber cũng đã gửi email thông báo chính thức tới tất cả khách hàng về việc sẽ chuyển giao toàn bộ hệ thống khách hàng tại Việt Nam sang Grab từ ngày 8-4 và khuyến cáo khách hàng tải app Grab để sử dụng. Tạm gác lại lo lắng về độc quyền và nợ thuế, việc sáp nhập này có thể là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam chớp lấy thời cơ để giành thị phần.
Trả lời câu hỏi này, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, không có khó khăn nào mà không kèm theo cơ hội, nhưng tôi cho rằng cơ hội hiện nay rõ rệt hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam hãy tận dụng tốt tình cảm của người tiêu dùng đối với lĩnh vực vận tải công nghệ trong thời điểm này. Đây thực sự là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp đủ mạnh tham gia thị trường.
 |
Ứng dụng gọi xe Vato trên điện thoại thông minh. |
Ngay sau khi có thông tin Uber sáp nhập vào Grab, Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Futabus) đã đầu tư vào ứng dụng gọi xe Vivu trước đây và chuyển đổi sang tên mới là Vato. Hiện nay, trên kho ứng dụng Google Play (dành cho thiết bị di động Android) và iTunes Store (ứng dụng cho iPhone, iPad…), người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) có thể cài đặt ứng dụng Vato để sử dụng dịch vụ. Khi cài đặt xong và bật ứng dụng Vato lên trên màn hình ứng dụng đã xuất hiện nhiều xe hơn so với trước đây (thời còn tên cũ Vivu).
Lãnh đạo Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang cho biết, đúng ra tới tháng 5-2018 thì ứng dụng gọi xe (thương hiệu mới) VATO mới chính thức ra mắt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng việc Uber quyết định bán lại mảng thị phần của Uber tại Đông Nam Á cho Grab khiến công ty quyết định cho ra mắt ứng dụng Vato sớm hơn so với kế hoạch. Sau khi thông tin Uber rút lui chính thức được công bố, số lượt tải ứng dụng Vato đã tăng vọt, đạt 200 lượt, gấp đôi mức đỉnh của thời kỳ trước đó. Ứng dụng gọi xe Vato không chỉ gọi xe thông thường, mà là một phần mềm thương mại điện tử với nhiều tính năng khác, giống như một sàn giao dịch thương mại điện tử về vận tải, dịch vụ, hàng hoá. Theo đó, khi khách tải ứng dụng Vato không chỉ gọi riêng xe Phương Trang mà có quyền yêu cầu chọn xe của tất cả các hãng như Mai Linh, hay Vinasun… tuỳ sở thích.
Bài, ảnh: VIỆT CƯỜNG