 |
Sinh viên Trường cao đẳng Giao thông-Vận tải trong lễ ra quân Tiếp sức mùa thi 2007. Ảnh: HỒNG HẢI |
Ngày 3-7, các thi sinh dự thi đợt một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007 sẽ có mặt tại các điểm thi để làm các thủ tục cần thiết trước ngày thi. Dư luận hy vọng, tinh thần: Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tiếp tục được thể hiện rõ nét hơn trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Để đáp lại lòng mong đợi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007 (Bộ GD&ĐT), tổng số đăng ký dự thi trong cả 3 đợt là hơn 1.850.800 thí sinh. Chưa kể các trường thuộc khối Quốc phòng và An ninh, năm 2007, cả nước có 260 trường đại học, cao đẳng tổ chức thi tuyển, trong đó đại học có 135 trường. Sẽ có khoảng 50.000 cán bộ được lựa chọn làm công tác thi tại 1.770 điểm thi với 39.300 phòng thi. Từ ngày 17-6, Bộ GD&ĐT đã cử các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời cử đoàn đi kiểm tra các cơ sở sao in đề thi tại ba cụm thi: Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ. Qua kiểm tra, Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007 của Bộ GD&ĐT ghi nhận sự nỗ lực của Ban chỉ đạo thi tuyển sinh tại các cụm thi và các địa phương. Ba cụm thi Vinh (Nghệ An), Quy Nhơn (Bình Định) và thành phố Cần Thơ đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị cơ sở in sao đề thi, có kế hoạch cụ thể trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất như bố trí các điểm thi, phòng thi, bảo đảm an toàn bảo mật cho khu vực thi, phối hợp tốt với các trường khác có thí sinh đăng ký dự thi tại cụm. Công tác lựa chọn cán bộ làm nhiệm vụ coi thi đã được chú trọng. Kế hoạch tập huấn cho các lực lượng tham gia coi thi, giám sát, phục vụ và bảo vệ kỳ thi được triển khai, kịp thời đúng tiến độ, bảo đảm 100% cán bộ được tập huấn.
Thực hiện công điện số 782/CĐ-TTg ngày 20-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007, Ủy ban nhân dân các tỉnh Nghệ An, Bình Định và thành phố Cần Thơ đã có chỉ thị về việc phối hợp giữa các ban, ngành trong việc tổ chức kỳ thi. Việc chuẩn bị đón tiếp các thí sinh về dự thi tại các cụm thi nói trên đã được triển khai theo sự phân công của UBND tỉnh.
Công tác chỉ đạo việc làm đề thi được Bộ GD&ĐT đặc biệt coi trọng. Yêu cầu cơ bản mà Bộ đặt ra là: Không có sai sót; phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh và có khả năng phân loại cao; đề thi tự luận được thay đổi mạnh theo hướng tăng việc kiểm tra tính sáng tạo, kỹ năng thực hành của thí sinh, mỗi đề thi gồm nhiều câu hỏi riêng biệt. Tại các cơ sở sao in đề thi, Đoàn đã kiểm tra trực tiếp các trường được giao nhiệm vụ sao in. Một số sai sót như: Chưa phân định rõ 3 vòng (vòng sao in, vòng bảo vệ trong, vòng bảo vệ ngoài) tại các cơ sở sao in… đã được chấn chỉnh kịp thời. Đến nay, các cơ sở sao in đề thi cơ bản thực hiện đúng theo yêu cầu bảo đảm an toàn bảo mật tuyệt đối trong công tác sao in đề thi.
Từ 21-6 đến 16-7, Thanh tra Bộ GD&ĐT và Vụ Đại học & Sau đại học đã chọn cử các trường tham gia giám sát tại các cơ sở sao in đề thi trên toàn quốc. Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 8 đoàn thanh tra tại các cụm thi Đại học Quốc gia, Đại học vùng và thành lập 4 đoàn thanh tra chấm thi tại một số Hội đồng thi. Từ tháng 3-2007, Bộ GD&ĐT đã ủy quyền cho các Sở GD&ĐT Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công an thành phố triển khai đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định với các lò luyện thi, các hiệu photocoppy trên địa bàn. Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, tình trạng sản xuất, mua bán "phao" thi chưa xuất hiện. Giám đốc Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng an ninh tiếp tục bám cơ sở, nắm tình hình phát hiện xử lý kiên quyết, kịp thời các sai phạm liên quan đến kỳ thi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007 khẳng định: Đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất sẵn sàng cao nhất nhằm đảm bảo cho kỳ thi diễn ra được an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Giải quyết một số vướng mắc
Trước ngày thi, Ban chỉ đạo đã nhận được một số câu hỏi, thắc mắc qua phản ánh từ các trường xung quanh những nội dung liên quan đến kỳ thi. Sau khi xem xét cụ thể, Thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng (Bộ GD&ĐT) đã có kết luận, giải đáp. Về việc giao - nhận đề thi, Ban chỉ đạo nhấn mạnh phải bảo đảm yêu cầu quy trình bảo mật tuyệt đối: Các cơ sở sao in đề thi bàn giao đề thi tại vòng bảo vệ ngoài (vòng 3) nhằm bảo đảm cán bộ tiếp xúc với đề thi được cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Cán bộ phụ trách cơ sở in sao khi ký nhận bàn giao bài thi có sự giám sát của cán bộ an ninh vàcán bộ giám sát của Bộ GD&ĐT. Việc thí sinh sử dụng máy tính loại nào đã được quy định tại Quy chế thi tuyển sinh. Tuy nhiên, để đề phòng trục trặc và hướng dẫn cụ thể hơn, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi đến các Hội đồng tuyển sinh. Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, Bộ GD&ĐT nêu rõ: Các phóng viên báo chí lấy tin tức phản ánh về kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ được Ban chỉ đạo tuyển sinh cấp giấy giới thiệu. Riêng với các trường thuộc khối Quốc phòng và An ninh, phóng viên phải có giấy giới thiệu từ Ban Tuyển sinh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Về việc một số thí sinh phải lấy lại phiếu báo dự thi tại Văn phòng đại diện của Bộ GD&ĐT tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo khẳng định: Nguyên nhân là do các thí sinh nói trên đã ghi sai địa chỉ hoặc thay đổi địa chỉ. Để phiếu báo dự thi đến tận tay thí sinh, Văn phòng đại diện của Bộ GD&ĐT tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện phương thức gửi bưu điện. Khi phiếu báo thi do thay đổi địa chỉ không đến tay người nhận được bưu điện trả về cho Văn phòng đại diện, qua điện thoại Văn phòng đại diện đã báo cho thí sinh đến nhận trực tiếp tại Văn phòng. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường còn dành ngày 03-7 (đợt 1), ngày 08-7 (đợt 2) để các thí sinh nếu có sai lệch về phiếu báo dự thi đến các trường để điều chỉnh.
Số thí sinh giảm, sự cạnh tranh ở các trường tốp trên không giảm
Do có khoảng 30% thi sinh đăng ký dự thi đã trượt tốt nghiệp nên số thí sinh dự thi vào các trường đại học, cao đẳng năm nay sẽ giảm khoảng 1/3. Nhưng theo cảm nhận của chúng tôi và phân tích của một số thành viên Ban chỉ đạo thì sự cạnh tranh chỉ giảm ở một số trường tốp giữa và tốp dưới. Với các trường tốp trên, số thí sinh có thể giảm nhưng không đáng kể, do những học sinh không đủ kiến thức thi đỗ tốt nghiệp cũng không dám "với" lên những trường tốp trên có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên. Vì vậy, việc 30% thí sinh không đỗ tốt nghiệp cơ bản sẽ không làm giảm sự cạnh tranh ở các trường tốp trên. Thứ trưởng Bành Tiến Long, Trưởng ban chỉ đạo cho rằng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc khiến nhiều học sinh trượt tốt nghiệp có thể coi là một đợt sàng lọc, sơ tuyển giảm bớt áp lực không đáng có cho kỳ thi vào đại học, cao đẳng. Liệu số lượng thí sinh giảm có ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi, điểm tuyển của các trường và điểm sàn của Bộ GD&ĐT? Thứ trưởng Bành Tiến Long cho rằng: Phần lớn những thí sinh trượt tốt nghiệp THPT có học lực yếu. Do đó, việc các em có hay không tham gia vào kỳ thi tuyển đại học, cao đẳng cũng không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh, điểm tuyển của các trường và điểm sàn của Bộ. Về giải pháp "ba chung" theo Đề án cải tiến tuyển sinh, Ban chỉ đạo tuyển sinh cho rằng: Tuy chưa khắc phục được mâu thuẫn cơ bản trong công tác tuyển sinh là nhu cầu học đại học, cao đẳng ngày càng tăng trong khi khả năng đào tạo của ta có hạn, nhưng đây là giải pháp khả thi nhất trong tình hình hiện nay. Và với chủ trương đổi mới công tác tuyển sinh thì độ cạnh tranh giữa các thí sinh trong kỳ thi đại học, cao đẳng sẽ ngày càng lớn. Như vậy, để có cơ hội vào đại học thí sinh không có con đường nào khác là phải học thật tốt.
Nhóm phóng viên Quốc phòng - An ninh