QĐND - Những năm qua-"Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" luôn được chúng ta duy trì, tổ chức thực hiện đều đặn đã góp phần đưa tỷ lệ độ che phủ rừng ở nước ta tăng khá nhanh. "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Trồng rừng, thành tích đáng tự hào
Tại hội nghị thường niên Đối tác hỗ trợ ngành Lâm nghiệp do Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: Năm 2013, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, thế nhưng công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt công tác trồng rừng của nước ta có nhiều tiến bộ tích cực. Cụ thể, năm 2013, cả nước đã trồng được 227.000ha rừng tập trung, 75 triệu cây phân tán, cung cấp sản lượng gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến khoảng 15 triệu m3 (trong đó 8 triệu m3 từ rừng trồng, 5 triệu m3 từ cây phân tán, 2 triệu m3 gỗ cao su), sản lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên chỉ giữ con số “khiêm tốn” 1,5 triệu m3. Tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam năm 2013 đạt 5,5 tỷ USD.
 |
Cán bộ, công nhân Tổng công ty Đông Bắc tham gia trồng cây đầu Xuân tại khai trường thuộc đơn vị.
|
Cũng trong năm 2013, tổng số tiền thu dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được khoảng 1.010 tỷ đồng, trong đó Quỹ Trung ương thu 845 tỷ đồng, quỹ DVMTR các tỉnh thu được 165 tỷ đồng. Tổng số diện tích rừng thuộc diện đối tượng hưởng tiền chi trả DVMTR là 4,1 triệu ha. Từ nguồn tiền này giúp góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống của người dân vùng nông thôn, nhất là đối với những người làm nghề rừng có thêm thu nhập.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng - người có nhiều năm gắn bó với ngành lâm nghiệp nhận xét: Năm 1992, thời điểm diện tích rừng của Việt Nam xuống thấp ở mức báo động, độ che phủ chỉ còn 27,8% diện tích, gây ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước, Chính phủ ta cộng với sự giúp đỡ tích cực của cộng đồng quốc tế đã tổ chức thực hiện xã hội hóa ngành lâm nghiệp bằng Chương trình 327 “Phủ xanh đất trống đồi trọc”, tiếp đến là Dự án 661 (Chương trình trồng 5 triệu ha rừng), Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020… Chính những chương trình này đã giúp diện tích rừng của Việt Nam “hồi sinh” nhanh chóng, đây có thể xem là một thành tích đáng tự hào của đất nước chúng ta.
Chuẩn bị cho ngày Tết trồng cây
Ngay từ cuối tháng 12-2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị về phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp Xuân Giáp Ngọ. Thời điểm tổ chức tại các tỉnh miền Bắc được tiến hành vào dịp đầu Xuân Giáp Ngọ, còn ở các tỉnh phía Nam là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19-5).
Bộ NN& PTNT cũng lưu ý, các địa phương lựa chọn loại cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, tranh thủ thời tiết và thời vụ trồng để đạt tỷ lệ sống cao. Đồng thời, tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây trồng.
Để phục vụ cho Tết trồng cây năm nay, tỉnh Bắc Kạn đã chuẩn bị các loại hạt giống tương đương với gần 10.000ha, trong đó hạt mỡ là hơn 1,3 tấn tương đương với hơn 7.600ha, hạt keo cũng bảo đảm tương đương với 1.400ha khi đem trồng. Hiện hầu hết các vườn đều đã bắt đầu làm đất, đóng bầu, riêng với các loại keo lai được giâm bằng hom, việc đóng bầu đã tiến hành ngay từ khi việc trồng rừng 2013 kết thúc. Năm 2014, tỉnh Bắc Kạn dự kiến trồng mới 12.000ha, trong đó rừng sản xuất tập trung là gần 9000ha và cây phân tán là 2.400ha còn lại là gần 600ha rừng phòng hộ đặc dụng
Theo kế hoạch trong dịp Tết trồng cây năm nay tỉnh Phú Thọ sẽ phấn đấu trồng 475 nghìn cây phân tán và 656ha rừng tập trung, phấn đấu mục tiêu năm 2014 toàn tỉnh hoàn thành kế hoạch trồng trên 1 triệu cây phân tán; 6.420ha rừng tập trung. Theo đó thời gian phát động, tổ chức Tết trồng cây kéo dài trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 26-1 đến 26-2-2014
Theo kế hoạch của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) năm 2014, cả nước sẽ trồng khoảng 243.212ha rừng tập trung, trong đó diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng 32.000ha, rừng sản xuất 200.000ha (trồng mới 90.000ha, trồng lại 110.000ha); nguồn vốn ODA hỗ trợ trồng 14.000ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 360.000ha, cải tạo 5000ha rừng tự nhiên nghèo kiệt, cả nước phấn đấu trồng 50 triệu cây phân tán. Mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đưa tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 41,5%.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, việc trồng rừng không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà quan trọng hơn rừng còn giúp bảo vệ môi trường sống của chúng ta, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM