QĐND Online - Chỉ từ cục đất sét thô sơ, bàn tay khéo léo của người thợ gốm Bát Tràng đã tạo nên những bức tranh gốm có màu sắc tự nhiên, sống động không kém gì tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái...
Khác với vẻ hiện đại, nhộn nhịp của khu chợ bên ngoài, khu trong của làng Bát Tràng khá yên tĩnh. Những ngôi nhà mọc san sát nhau, ngõ nhỏ quanh co, dài và hẹp đến mức 2 chiếc xe máy đi hàng ngang là khó. Hầu hết các hộ dân ở đây đều làm những việc liên quan đến nghề gốm.
Anh Nguyễn Tiến Phòng (xóm 2, Bát Tràng) - một trong những thợ làm tranh gốm có kinh nghiệm của làng - thoăn thoắt nặn những bông hoa cúc từ đất sét và chia sẻ về quá trình làm gốm của mình. Mặc dù quê gốc ở Hà Nam nhưng anh Phòng lại làm rể tại Bát Tràng, nhờ thế mà anh được bố vợ truyền cho kinh nghiệm làm gốm. Gia đình anh cũng là hộ đầu tiên của làng sản xuất thành công những bức tranh gốm khổ nhỏ (kích thước 15×11 cm).
 |
Anh Phòng đang tạo hình hoa. |
Theo anh Phòng, tranh gốm Bát Tràng gồm 2 loại, đều được làm từ đất sét trắng. Một loại đơn thuần chỉ dùng màu để vẽ lên tấm gốm. Loại thứ 2 có quy trình làm công phu hơn với bề mặt gồ ghề, chi tiết nổi hẳn lên được gọi là tranh gốm nổi. Đầu tiên, phần cốt (phần khuôn nền với đủ hình dạng: tròn, vuông, chữ nhật, dày, mỏng,... để gắn những chi tiết tranh đã tạo hình lên) được làm sẵn bằng đất sét. Sau đó, cốt được đem sấy khô rồi đặt trên một tấm kính, ở giữa lót bằng giấy báo. Để tạo chi tiết cho tranh, người thợ phải đắp từng nắm đất nhỏ lên khuôn rồi dùng tay nặn cho thành các hình khối như: hình người, ngôi nhà, ngọn núi, thân cây... theo những mẫu tranh có sẵn. Đối với những họa tiết, chi tiết nhỏ, người thợ phải dùng dao, bút chuyên dụng để tỉa, cắt, khắc. Công đoạn này yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ nên tiêu tốn nhiều thời gian nhất. Tranh sau khi thành hình hoàn chỉnh liền được đem sấy khô để giúp cho các chi tiết vừa đắp gắn chặt với phần cốt hơn. Anh Phòng cho biết, tranh gốm có thể giãn nở theo nhiệt độ nung, màu sắc men tùy nhiệt độ mà cũng lên màu theo những mức độ khác nhau.
Công đoạn quét men để tạo màu sắc cho tranh do vợ anh Phòng - chị Nguyễn Thu Hiền phụ trách. Vì được tiếp xúc với đồ gốm và được người cha chỉ dạy từ nhỏ nên chị quét men rất thuần thục, không hề bị lẫn hay lem màu. Chị Hiền cho biết, men thường dùng để tô lên tranh là khác nhau, trước kia thường dùng men làm từ tự nhiên như đất đỏ, đá xanh,… nhưng hiện nay chủ yếu dùng men có pha thêm thành phần hóa học để màu men đa dạng hơn, độ bền cũng lâu hơn. Sau khi được phơi khô một lần nữa, từng tấm tranh gốm được gỡ khỏi tấm kính, xếp thành từng chồng rồi đem nung trong lò. Thời gian nung tùy theo độ dày của tranh, thường từ khoảng 8 đến 17 tiếng.
 |
Phố cổ trên nền gốm. |
Điều gây ấn tượng nhất trong nghề làm tranh gốm là các chi tiết như hoa lá, người, vật trong tranh gốm nổi hoàn toàn được làm bằng tay, lần lượt từng cái một chứ không hề có khuôn như làm bình, bát gốm,... (ngoại trừ phần cốt là được sản xuất hàng loạt theo khuôn có sẵn). Tuy vậy, cũng phải "soi" kỹ người ta mới có thể nhìn ra sự khác nhau về màu sắc, bố cục và một số chi tiết của tranh.
Tranh gốm vài năm trước chưa thu hút được nhiều sự quan tâm do kỹ thuật nung lúc đó chủ yếu bằng lò hộp thủ công nên đa số bức tranh bị cong vênh, sai lệch tỷ lệ của hình vẽ hoặc hình đắp nổi. Ngoài ra, nhiều tranh còn quá đơn giản cùng với chất liệu thô kệch, chế tác vội vàng. Hiện nay, kỹ thuật ngày càng cải tiến, gốm được nung bằng lò gas nên chất lượng sản phẩm được đảm bảo, màu sắc tươi sáng, đồng đều, bắt mắt. Nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật cao không kém tranh trên giấy, vải,... nên được nhiều người ưa chuộng. Giá tranh gốm có thể dao động từ 50 nghìn đồng (tranh loại nhỏ kích thước 15×11 cm) đến hàng triệu đồng tùy kích thước, loại đất sét… Đây cũng là một hướng đi mới, phát huy hiệu quả kinh tế cũng như lưu giữ nét truyền thống, đặc sắc của làng nghề này.
Bài, ảnh: NGUYỄN HẠNH