 |
Bán hàng rong tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. |
Hơn 6 giờ sáng 25-7, tại các tuyến hẻm ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh có nhiều người bán hàng rong, điểm bán hàng tự phát. Những người bán hàng rong thường dùng xe máy, xe đẩy chở hàng bán lưu động, còn những người bán hàng dọc đường hẻm, họ bày bán công khai. Số lượng bày bán thường ít. Nếu thấy lực lượng chức năng, lập tức họ chuyển nhanh hàng vào trong nhà hoặc tìm đường đến các tuyến đường khác để bán. Các hàng bán chủ yếu là nhu yếu phẩm, giá cả cao hơn tại các điểm bán hàng tại chợ truyền thống và trong siêu thị, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người đeo khẩu trang không đúng cách, tụ tập 3 đến 4 người, không bảo đảm giãn cách, có người bán còn không đeo khẩu trang, nhất là các điểm bán hàng tại nhà ven đường. Những người bán hàng rong chủ yếu bán vào sáng sớm, trưa và chiều tối.
 |
Thêm điểm bán hàng rong tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. |
Mua rau muống giá 25.000 đồng/kg, bà Võ Thị Bảy, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, cho biết: Dịch bệnh phức tạp, mua hàng tại đây tiện lợi, không phải xếp hàng, không mất thời gian, công sức, không có ai giám sát thoải mái hơn nên tôi tranh thủ mua sớm”. Tâm lý “tiện lợi” thế này khiến số người bán hàng rong, điểm bán hàng tự phát tái diễn và ngày càng gia tăng tại thành phố.
 |
Điểm bán hàng tự phát tại đường Nguyễn Ánh Thủ, quận 12, TP Hồ Chí Minh. |
Tại đường Nguyễn Ánh Thủ và đường Trung Mỹ Tây 13 thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12, mặc dù xung quanh có nhiều điểm phong tỏa PCD Covid-19, nhưng nhiều tiểu thương vẫn bày bán hàng công khai hoặc mở hé cửa và luôn có người trực bên ngoài đón khách. Khi thấy khách đi ngang qua, lập tức họ mời chào bán hàng. Số lượng hàng bao nhiêu cũng có, giá cả thì tùy. Thấy khách lạ có nhu cầu cao, họ lập tức tăng giá hoặc giá “mềm” nhưng lại cân thiếu số lượng hoặc trộn lẫn hàng kém chất lượng để bán; còn những khách hàng quen thì họ bán giá “mềm”, cân đủ hơn.
 |
Hàng rong tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. |
Khảo sát tại các tuyến đường Dương Thị Mười (quận 12), Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Quang Trung (quận Gò Vấp)… tình trạng tái diễn hàng rong, điểm bán hàng tự phát cũng xảy ra tương tự. Các quận, huyện vùng ven, khu vực ít có lực lượng chức năng kiểm tra, họ thường bày bán công khai, còn các quận trung tâm, tuyến đường chính, họ thường bày bán lén lút. Lợi dụng chênh lệch giá, khan hiếm hàng cục bộ tại một số thời điểm, địa bàn, không ít đối tượng còn mua hàng trong siêu thị với giá “mềm” rồi về bán lại cho người tiêu dùng với giá đắt đỏ. Đây cũng là nguyên nhân những ngày qua, một số siêu thị luôn có đông người xếp hàng.
Các điểm bán hàng, hàng rong thường tập trung tại gần các chợ truyền thống, khu đông dân cư, các khu đông công nhân, khu nhà trọ, các khu chợ tự phát bị cấm hoạt động… Nguyên nhân chủ yếu của bán hàng rong, điểm bán hàng tự phát tái diễn là do ý thức “tiện lợi”, thói quen mua hàng và ý thức PCD của không ít người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số cửa hàng tiện ích thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả có thời điểm chưa ổn định… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tại một số huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Bình Chánh… tăng cao thời gian gần đây.
 |
Nhiều người dân ưa mua hàng ở chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh an toàn phòng, chống dịch. |
Mới đây, thành phố chỉ đạo tổ chức các điểm bán hàng tại chợ truyền thống. Tuy nhiên, không ít tiểu thương lại không “mặn mà” lắm bởi bán hàng tại các điểm chợ truyền thống, họ phải mất thuế và thực hiện các quy định chặt chẽ, gò bó, nên không ít người thường chọn giải pháp bán hàng tại tuyến đường, bán hàng tại nhà, online… dẫn đến biến tướng, tái diễn các điểm bán hàng tự phát, bán hàng rong phức tạp.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, khắc phục những hạn chế, nhằm nâng cao các biện pháp PCD Covid-19, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, cụ thể vừa bảo đảm PCD vừa linh hoạt cung cấp kịp thời mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, bảo đảm lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu, ổn định giá cả, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
 |
Chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh có đa dạng hàng hóa thiết yếu.
|
Theo đó, ngành chức năng chủ động phối hợp các lực lượng, địa phương nắm bắt, theo dõi diễn biến thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức PCD cho người dân, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm giá bán, dẹp các điểm bán hàng tự phát, bán hàng rong, bán sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chủ động tổ chức rà soát, đánh giá chợ truyền thống trên địa bàn mình từ đó có biện pháp tổ chức thực hiện bảo đảm quy định PCD, phục vụ tốt người dân.
Chợ truyền thống hoạt động theo mô hình mới, bảo đảm không gian mở, thoáng, có màng ngăn cách giữa người mua và người bán, niêm yết giá và khuyến khích bán có hàng trong túi sẵn; chỉ kinh doanh hàng thiết yếu; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ nhằm giảm tương tác, PCD. Các địa phương cũng cung cấp phiếu mua hàng cho người dân đi chợ, còn người dân tại các khu phong tỏa, cách ly, địa phương tổ chức lực lượng mua hàng mang đến tận nơi.
Thành phố chủ động kết nối với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều hình thức chuyển hàng về thành phố bằng đường thủy, đường bộ, đồng thời đẩy mạnh tăng năng suất trồng rau, củ, quả ở các huyện ngoại thành, góp phần bảo đảm tại chỗ thực phẩm thiết yếu. Thành phố cũng triển khai các chợ đầu mối, cảng, bến bãi tập trung hàng hóa đi vào hoạt động, tạo vùng đệm kết nối, tiếp nhận, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt, tăng cường biện pháp PCD Covid-19.
Bài và ảnh: DUY NGUYỄN