Chủ thể của các phong trào thi đua

Mới đây khi có dịp đi qua tuyến đường rạch Ông Đề (ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), chúng tôi bắt gặp nhiều khách du lịch nước ngoài đạp xe thong thả, thích thú ngắm cây trái hai bên đường. Ít ai biết cách đây hơn hai năm, tuyến đường này có chiều rộng chưa tới 1,5m, mùa mưa thì lầy lội vì bùn đất. Bày trái cây lên sạp hàng kê ven đường, ông Lê Văn Phương chia sẻ: Bây giờ giao thông thuận lợi rồi, đường bê tông rộng hơn 4m, bà con trong ấp có thể chở trái cây từ vườn nhà ra các chợ đầu mối của thành phố hoặc bán tại chỗ cho khách tham quan. Trước đây khi địa phương phát động phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM), bà con ai cũng nhiệt tình hưởng ứng hiến đất mở rộng đường và đóng góp ngày công lao động.

Trên địa bàn phường Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), hỏi thăm về phong trào nông dân sản xuất giỏi, ai cũng giới thiệu nổi bật có Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau an toàn Long Tuyền do nông dân Triệu Công Đỉnh khởi xướng. Ông Đỉnh cho biết: Được chính quyền và ngành chức năng địa phương ủng hộ, toàn bộ diện tích canh tác của HTX đều có đê bao khép kín, hệ thống tưới tiêu được xây dựng hoàn chỉnh. Hiện nay, HTX có 16 thành viên, diện tích sản xuất hơn 6ha. HTX đã nhận được giấy chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân hằng năm khoảng 600 triệu đồng.

Ông Lê Văn Phương và ông Triệu Công Đỉnh là hai trong nhiều nông dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, tất cả đều bày tỏ sự tin tưởng vào hiệu quả của các phong trào thi đua do ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương phát động. Bởi các phong trào này đều tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.

Nhờ phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển “tam nông”, TP Cần Thơ đã triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa. Đến nay, 100% xã của thành phố đạt được các tiêu chí về thủy lợi, điện sinh hoạt, cơ sở hạ tầng thương mại, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư; các tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đều đạt từ 77% trở lên.

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: Riêng về thực hiện phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh, nông dân TP Cần Thơ đã đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng, hiến đất… tổng số tiền trị giá hơn 181 tỷ đồng. Bình quân hằng năm, TP Cần Thơ có hơn 45.000 hộ (đạt tỷ lệ 98,4% số hộ nông nghiệp của toàn thành phố) đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho “tam nông”

Để tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển “tam nông”, hiện nay, TP Cần Thơ đang tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, tập trung phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

TP Cần Thơ đã duyệt danh mục 32 dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 1.260 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững để thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, tổng kinh phí 323 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2020.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Sở Công Thương đang cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong hai năm 2016 và 2017, Sở Công Thương đã hỗ trợ 36 doanh nghiệp đăng ký vào lĩnh vực này, tổng số vốn thực hiện các dự án hơn 1.926 tỷ đồng. “Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như: Phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại với bà con nông dân trong cả lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện chuyển đổi các mô hình sản xuất kinh tế, phát triển ngành nghề, các mô hình theo hướng lâu dài, thân thiện với môi trường”, ông Toại nói.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho rằng: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, một trong những nhiệm vụ của TP Cần Thơ là đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân về vai trò chủ thể của mình trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng NTM; khơi dậy ở người nông dân tinh thần chủ động, tích cực học tập và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững.

HỒNG ĐĂNG