QĐND Online - Tình hình tham nhũng, chống tham nhũng là vấn đề chính được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ngày 12-6…
Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (đoàn Hải Dương) chất vấn: “Một số vụ tham nhũng lớn đã và đang được chỉ đạo xử lý tích cực, tuy nhiên cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cấp chưa được chặn đứng. Thanh tra Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn tham nhũng, trong đó có giải pháp kê khai tài sản của cán bộ như hiện nay đã có tác dụng thiết thực vào công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa?
Với trách nhiệm là người đứng đầu của ngành thanh tra, đồng chí có kiến nghị gì với Quốc hội, Chính phủ và có giải pháp gì để chỉ đạo toàn diện ngành thực hiện công tác PCTN trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn?”.
 |
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện từ năm 2008. Từ đó đến nay, hằng năm đều thực hiện việc kê khai, kê khai lần đầu và kê khai bổ sung cho các đối tượng mới phát sinh và những đối tượng có biến động về tài sản nên phải kê khai bổ sung về tài sản, thu nhập.
Từ năm 2013 tới nay, sau khi Luật PCTN sửa đổi năm 2012 có hiệu lực, việc kê khai tài sản có tiến bộ hơn.
Qua quá trình kê khai tài sản thu nhập có khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng đã được xác minh làm rõ. Trong quá trình thực hiện có 88 cán bộ bị xử lý bằng các hình thức, do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản.
Nói về tác dụng của kê khai tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có ba tác dụng chính: Thứ nhất, công khai tài sản thu nhập của các đối tượng thuộc diện phải quản lý kê khai tài sản theo quy định của pháp luật; thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền nắm được tài sản cán bộ, công chức thuộc quyền mình quản lý để kiểm soát và theo dõi; thứ ba, làm căn cứ đánh giá kê khai đúng hay không đúng để theo dõi, khi biến động tăng lên hoặc khi có yêu cầu phải báo cáo giải trình.
Tiếp tục chất vấn về tiêu cực, tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn chứng báo cáo số 1319 ngày 9-6 của Thanh tra Chính phủ đánh giá công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã có cố gắng và tạo được sự chuyển biến nhất định. Đại biểu Hiến chất vấn: “Xin hỏi Tổng thanh tra theo số liệu đó, nhận định đó thì tham nhũng đã bị đẩy lùi, hay thực sự kết quả thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng hạn chế?”.
Cùng với đó đại biểu chất vấn về việc PCTN trong nội bộ ngành: “Trong 3 năm Thanh tra Chính phủ xử lý kỷ luật 12 công chức, nhưng chỉ do vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, vi phạm luật giao thông, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy trình nghiệp vụ và sinh con thứ 3 chứ không liên quan gì đến tham nhũng. Xin Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, quan điểm của mình về chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, chống tham nhũng trước hết là chống tham nhũng trong lực lượng PCTN?”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Có thể nói đây là một việc khó và cũng là việc hết sức hệ trọng đối với đất nước, cũng như sự tồn vong của chế độ. Nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết “Có thể nói công tác PCTN chưa đạt yêu cầu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội, là một thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước”. Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp, việc phát hiện xử lý chưa đạt yêu cầu như mong muốn.
Trả lời về việc xử lý tham nhũng trong ngành thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, qua thống kê từ năm 2011 đến 2013, toàn ngành có 85 cán bộ công chức bị xử lý trên 28.000 cán bộ trong toàn ngành. Trong đó xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 14 người và có 11 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Riêng Thanh tra Chính phủ trong thời gian 3 năm đã xử lý 12 cán bộ, trong đó có 1 xử lý hình sự, một cách chức, còn lại là hình thức khác. “Có thể nói trong thời gian qua, việc xử lý cán bộ trong ngành chưa nhiều nhưng cũng thấy được sự kiên quyết của ngành thanh tra, riêng Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua đã khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt thực hiện các nội dung công việc mà ngành thanh tra đã thực hiện” Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định.
Ông nhấn mạnh, “chúng tôi cũng đánh giá sâu sắc việc này, trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ tập trung khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) đặt vấn đề về tham nhũng vặt và yêu cầu Tổng thanh tra Chính phủ đưa ra “giải pháp căn cơ là gì, khi nào đặc trị căn bệnh trầm kha này?”.
Tổng thanh tra Chính phủ trả lời, tham nhũng vặt, trong luật gọi là tham nhũng nhỏ. Ông thừa nhận, đúng là thời gian vừa tham nhũng vặt diễn ra trên một số lĩnh. Nhận thức được thực tế này, thời gian sắp tới để giải quyết tốt vấn đề này Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra ba giải pháp: Trước hết phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; cùng với đó là phát huy vai trò người đứng đầu trong việc quản lý, tuyên truyền pháp luật, giáo dục cán bộ, phát hiện và xử lý tham nhũng; thứ ba là triển khai, xử lý các hành vi vi phạm nội dung này để giáo dục, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ.
XUÂN DŨNG