QĐND Online - Chiều 24-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết thi hành Luật tổ chức TAND (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, có ý kiến đề nghị chỉnh lý điểm c, khoản 3, Điều 2 theo hướng quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra để thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự nếu xét thấy cần thiết.

Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong tố tụng hình sự, TAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Dự thảo Luật không quy định tòa án có chức năng, nhiệm vụ “điều tra để thu thập chứng cứ” như cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát là phù hợp với quy định của Hiến pháp, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như vậy. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Vì vậy, bổ sung quy định tòa án có quyền thu thập, bổ sung chứng cứ khi xét cần thiết theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định là hợp lý.

Do đó, sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật sửa lại quy định này theo hướng: “Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình thu thập, bổ sung chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.

Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán và Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo xin ý kiến các vị ĐBQH bằng phiếu. Qua tổng hợp phiếu xin ý kiến của ĐBQH về việc Thẩm phán phải qua kỳ thi nâng ngạch để được bổ nhiệm Thẩm phán ở ngạch cao hơn thì có 269/373 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 84,8%; có 53/373 phiếu không tán thành, chiếm tỷ lệ 15,2%.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật để quy định về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp (Điều 68); về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC (Điều 69) và Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp (Điều 73).

Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung dự thảo Luật. Với 426 ĐB tham gia, đã có 415 ĐB tán thành, chiếm tỷ lệ 83,5%; có 8 ĐB không tán thành, tỷ lệ 1,61% và có 3 ĐB không biểu quyết, tỷ lệ 0,6%...

Về biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thi hành Luật tổ chức TAND (sửa đổi), trong số 425 ĐB tham gia thì 415 ĐB tán thành, tỷ lệ 83,5%; có 7 ĐB không tán thành, tỷ lệ 1,41% và ĐB không biểu quyết là 3 ĐB chiếm tỷ lệ 0,6%.

HOÀI THU