Chìa khóa mang đến nhiều lợi ích

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có 140.200ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 87,53% diện tích tự nhiên của tỉnh. Hiện nay, hai sản phẩm nông nghiệp là khóm (dứa) Cầu Đúc và chanh không hạt đang được các doanh nghiệp thu mua để chế biến xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ, Nhật. Ở trong nước, ngoài hai sản phẩm trên thì xoài cát Hậu Giang, chả cá thát lát tẩm gia vị… cũng đã có mặt tại nhiều chợ đầu mối, siêu thị, kênh phân phối. Tỉnh Hậu Giang cũng đang xây dựng thương hiệu giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, gồm: Bưởi Châu Thành, cam sành Ngã Bảy và cá tra.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang.

Ngoài mang lại giá trị cao cho nông sản và thu nhập cho người nông dân, doanh nghiệp, việc kết nối, tiêu thụ nông sản còn khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap. Sự gắn kết chặt chẽ này cũng đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, bởi tất cả sản phẩm được phân phối ra thị trường đều dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm chất lượng tốt được đưa tới tay người tiêu dùng đã tạo thành những chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ bền vững.

Chuỗi liên kết sản xuất - phân phối còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, việc kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất-phân phối đến nay còn nhiều khó khăn, thách thức vì nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh ở địa phương chưa bảo đảm tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm, chứng nhận chất lượng, ATVSTP… để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được chú trọng dẫn đến năng lực quản lý, cạnh tranh không đáp ứng được yêu cầu hội nhập hiện nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đồng, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, lại cho rằng: “Sản xuất theo chuỗi giá trị, theo chuỗi ATVSTP còn nhiều vấn đề bất cập và là yếu kém cơ bản trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nguyên nhân là tỉnh còn thiếu các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn để tạo ra những cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ cao, chế biến bảo đảm các tiêu chuẩn và có đầu ra ổn định cho nông sản. Ngoài ra còn thiếu những hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm; vai trò chủ thể của nông dân còn hạn chế trong việc tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật”.

Từ đó, ông Nguyễn Văn Đồng góp ý, tỉnh Hậu Giang cần soát xét một cách đồng bộ các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn; có chương trình cơ giới hóa toàn diện hơn trong sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển kinh tế tập thể. Cùng với đó, phải chú trọng, quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, người tiêu dùng trong nước vì đây chính là nền tảng để xuất khẩu. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu không nên riêng lẻ từng tỉnh (trừ một số nông sản đặc trưng của từng tỉnh) mà nên xây dựng thương hiệu chung của vùng (ví dụ: Bưởi Năm Roi Đồng bằng sông Cửu Long).

Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, vấn đề của nông nghiệp tỉnh Hậu Giang là có quá ít doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu. Nếu có những doanh nghiệp này, tỉnh Hậu Giang sẽ hóa giải được vấn đề “được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Bên cạnh đó, nông sản của tỉnh Hậu Giang hiện nay cũng khá tương đồng so với các địa phương khác nên cần có biện pháp hợp tác giữa các địa phương, nếu không có thể dẫn đến cạnh tranh, gây khó lẫn nhau.

Một vấn đề khác khiến nông sản của tỉnh Hậu Giang vẫn chưa vào Siêu thị Co.opMart Vị Thanh, được đại diện Công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn-Hậu Giang, chỉ ra là: Chưa có người đứng ra đại diện gom hàng của các hộ nông dân trong chuỗi liên kết để giao cho siêu thị. Người dân vẫn thích bán theo kiểu truyền thống, không quen với các hợp đồng và phương thức thanh toán của doanh nghiệp. Từ đó kiến nghị tỉnh Hậu Giang hỗ trợ, hướng dẫn người dân liên kết thành lập các hợp tác xã để đứng ra thu gom nông sản và hứa sẽ đơn giản thủ tục, nhanh chóng thanh toán cho người dân.

Thế nhưng, ngay cả khi có hợp đồng tiêu thụ, nông sản Hậu Giang cũng vẫn gặp khó khăn. Như trường hợp của HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, dù đã ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Tiến Thịnh với số lượng 500 tấn nhưng năm 2018, công ty này chỉ mua mãng cầu xiêm loại II với giá 9.000 đồng/kg, còn loại I không mua. Vì thế HTX gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề kết nối, tiêu thụ mãng cầu xiêm cho người dân và thành viên HTX. Từ thực tế đó, ông Vũ Văn Phải, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ kiến nghị ngành nông nghiệp, công thương tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh hơn nữa nhằm kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối để giải quyết đầu ra cho mãng cầu xiêm; tạo điều kiện cho HTX kết nối được chuỗi liên kết sản xuất-phân phối-tiêu thụ sản phẩm theo quan hệ cung cầu.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN