Tiểu dự án TP Vĩnh Long được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, với khoản vay tương đương 35 triệu USD. Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, chủ trương và quyết định đầu tư Dự án là cần thiết và phù hợp với Dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam. Đến thời điểm kiểm toán, chưa có công trình nào của Dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng, do vậy chưa thể đánh giá hiệu quả một cách cụ thể. 

Tuy nhiên, sơ bộ các công trình triển khai bước đầu cho thấy, Dự án đã từng bước đạt được mục tiêu đầu tư và mang lại hiệu quả tổng thể: Cải thiện khả năng tiếp cận với hạ tầng cơ bản ở những khu vực thu nhập thấp; nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng chính nhằm tăng cường tính kết nối và phát triển đô thị đồng bộ, hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực quy hoạch quản lý đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu ở TP Vĩnh Long.

Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Vĩnh Long điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tình hình thực hiện Dự án (chi phí đầu tư, nguồn vốn đầu tư) đến ngày 30-6-2021 phù hợp với kết luận của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý về tài chính hơn 1,71 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 1,121 tỷ đồng.

leftcenterrightdel

Đến thời điểm kiểm toán, chưa có công trình nào của Dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh minh họa từ Báo Kiểm toán

Cụ thể, Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; một số hạng mục của Dự án không đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế; một số hạng mục đầu tư của Dự án chưa có trong quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt… 

Đáng chú ý, tổng mức đầu tư Dự án tính sai hơn 7 tỷ đồng (gồm: Chi phí xây lắp tính sai đơn giá nhân công hơn 3,4 tỷ đồng; chi phí tư vấn tính sai gần 3 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm tương ứng 638 triệu đồng). Mặt khác, tổng mức đầu tư tạm tính giá trị hạng mục “Chi phí tư vấn, hỗ trợ việc rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của tỉnh và thành phố với các biện pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển bền vững”, giá trị 2,75 tỷ đồng là thiếu căn cứ, chưa tuân thủ theo quy định.

Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, công tác quản lý chi phí đầu tư đối với các hạng mục, gói thầu được kiểm toán còn sai sót về khối lượng. Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 169 triệu đồng, giảm trừ khi nghiệm thu quyết toán đối với giá trị hợp đồng còn lại của một số gói thầu, hạng mục hơn 1,5 tỷ đồng.

Về tiến độ thực hiện Dự án, qua kiểm toán cho thấy, so với kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện các giai đoạn của Dự án chậm 18 tháng. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do công tác khảo sát thiết kế chậm so với quy định hợp đồng; điều chỉnh quy mô một số hạng mục dự án; công tác thẩm định, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán chậm… Theo quy định của Hiệp định vay, việc chậm triển khai thực hiện các gói thầu so với kế hoạch của Dự án làm phát sinh chi phí cam kết khoảng gần 11,7 tỷ đồng.

Cùng với triển khai chậm tiến độ, công tác lập kế hoạch vốn của Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Vĩnh Long còn chưa sát thực tế, không phù hợp với khả năng thực hiện, dẫn đến phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn với giá trị lớn. Trong đó, Dự án phải hủy kế hoạch vốn ODA không có khả năng giải ngân (năm 2019 hủy hơn 31,6 tỷ đồng, năm 2020 hủy gần 35 tỷ đồng). Đồng thời, phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối ứng không có khả năng giải ngân: Năm 2017 giảm gần 2,2 tỷ đồng, năm 2018 giảm hơn 181,1 tỷ đồng, năm 2020 giảm hơn 78,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra, Ban Quản lý dự án chưa xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án theo quy định, không xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm, kế hoạch hằng năm thực hiện Dự án, kế hoạch vốn đối ứng hằng năm của Dự án. Ban Quản lý dự án cũng không lập báo cáo đánh giá ban đầu dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư 6 tháng theo quy định; ký hợp đồng vay lại, công tác ghi thu - ghi chi còn chậm so với quy định.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị, Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Vĩnh Long rà soát, làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ Dự án và trách nhiệm của các bên liên quan; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có phương án tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục còn lại, không làm phát sinh thêm chi phí cam kết của Dự án. Đồng thời, Ban Quản lý dự án chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát toàn bộ các nội dung liên quan đến công tác quản lý thực hiện Dự án, để lập và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn ODA.

ANH VIỆT