 |
“Đo khám làm dụng cụ chỉnh hình cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum” |
QĐND Online - Những ngày đầu tháng 11-2008, Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH) và Quỹ Nhật Bản (Nippon Foundation) đã bàn giao 9 trong tổng số 10 điểm trường dành cho học sinh nghèo; tổ chức đo khám làm chân tay giả cho hơn 100 người khuyết tật tỉnh Kon Tum, những việc làm này thể hiện tính nhân đạo sâu sắc.
Nằm về phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có diện tích tự nhiên hơn 961 nghìn ha, dân số 375 nghìn người, hiện là một trong số những tỉnh nghèo nhất nước với tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 20% (khoảng 22 nghìn hộ), trong đó 89% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đời sống kinh tế người dân còn thiếu thốn, nên việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhất là xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục ở Kon Tum chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ.
Nhằm tiếp sức cho học sinh nghèo tỉnh Kon Tum, vào đầu năm học (2008-2009) này, Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam và Quỹ Nhật Bản đã tài trợ xây dựng 10 điểm trường với 33 phòng học. Việc làm này mang lại những ý nghĩa lớn về mặt xã hội, tạo điều kiện cho hàng nghìn học sinh có nơi học khang trang, khắc phục dần tình trạng bỏ học và nâng cao chất lượng dạy và học. Anh A Mịch, Phó chủ tịch UBND huyện Đắc Tô-địa phương được hỗ trợ xây dựng 5 điểm trường với 15 phòng học cho biết: “Huyện Đắc Tô còn nghèo, trong số 38 nghìn dân thì tỷ lệ người nghèo chiếm tới 32%. Đời sống kinh tế người dân chủ yếu tự túc, tự cấp, một số nơi còn phải nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương. Vì vậy, việc các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ xây 15 phòng học cho các cháu ở những buôn làng xa xôi thực sự giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xoá phòng học tạm bợ.”. Thầy Nguyễn Kim Chung, Trưởng phòng giáo dục huyện thì cho rằng: “Năm học trước cả tỉnh Kon Tum có tới gần 2.500 học sinh bỏ học. Với sự hỗ trợ này, chắc chắn sẽ góp phần giảm được tình trạng học sinh bỏ học, và chất lượng dạy và học sẽ nâng nên. Bước vào đầu năm học này toàn huyện có gần 13 nghìn học sinh các cấp, hiện còn khoảng 2.500 em đang phải học tập ở 40 phòng học tạm cần được hỗ trợ xây dựng”.
Ngày khánh thành điểm trường Tiểu học Đắc Rơ Nga ở thôn Đắc Dé, bà con trong thôn nghỉ lao động, tụ hội về điểm trường mới xây thật đông vui; bà con cùng diễn tấu cồng chiêng, uống rượu cần mừng lũ trẻ có phòng học khang trang. Trong ngày vui của thôn Đắc Dé, ông A Giáo, Bí thư Đảng ủy xã Đắc Rơ Nga không dấu niềm tâm sự: “Những năm trước đây, cứ vào khoảng tháng 8 là bà con trong các thôn còn phòng học tạm bợ lại lo góp cây, góp công dựng lại phòng học cho các cháu. Phòng học đơn sơ, không đủ che nắng, che mưa nên việc học tập cũng chệch choạc, các cháu bỏ học nhiều lắm!”. Xã Đắc Rơ Nga có 2.400 người, trong đó 99% là đồng bào Sê Đăng, bà con chủ yếu trồng cây mỳ (sắn) nên thu nhập còn thấp, có tới 60% hộ thuộc diện nghèo và đang là xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum. Vì thế, theo thầy Phạm Đình Thu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đắc Rơ Nga: “Nếu không có sự trợ giúp của
Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam và Quỹ Nhật Bản thì không biết đến bao giờ người dân trong thôn Đắc Dé mới có đủ khả năng đóng góp xây dựng cho con em mình được những phòng học khang trang thế này. Lớp học được xây dựng ngay trong thôn, nhà trường sẽ có điều kiện tổ chức cho các cháu học 2 buổi trong ngày, nâng cao chất lượng giáo dục. Mong muốn của bà con xã Đắc Rơ Nga, tới đây có thêm sự hỗ trợ để xoá 9 phòng học tạm ở các thôn Đắc Manh, Đắc Ken và Đắc Bung.”. Trên gương mặt của các cháu học sinh như A Thảo, A Tám, Y Néo và các phụ huynh như anh A Hoàng, chị Y Thiêm chúng tôi thấy ngời lên niềm vui và hạnh phúc. Cháu Y Néo, học sinh lớp 5a tâm sự: “Có phòng học mới này chúng cháu không sợ ngày mưa bị ướt sách vở nữa. Vui lắm, thích lắm!”
 |
Niềm vui của học sinh điểm trường Tiểu học Đắc Rơ Nga trong ngày khánh thành phòng học mới |
Tại huyện Tu Mơ Rông, nơi mà Quỹ Nhật Bản và Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam hỗ trợ xây dựng 5 điểm trường tiểu học với 18 phòng học, tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng, thầy Lương Thanh Tịnh, Trưởng phòng Giáo dục cho biết: “Năm học 2008-2009, toàn huyện có 34 trường với tổng số 8.500 học sinh các cấp. Hiện nay tại 11 xã trên địa bàn huyện còn tới 90 phòng học tạm, chủ yếu ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên rất cần sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và các tổ chức xã hội từ thiện.”.
Không dừng lại ở chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục vùng khó khăn, ngày 6-11-2008, tại huyện Sa Thầy, Quỹ Nhật Bản phối hợp với Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam tổ chức đo khám làm dụng cụ chỉnh hình cho hơn 100 người khuyết tật, trong đó phần lớn là nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh Kon Tum. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Kon Tum là vùng đất hứng chịu những hậu quả nặng nề. Đặc biệt, hơn 46 năm trước, vào ngày 10-8-1962, Kon Tum là địa danh đầu tiên bị đế quốc Mỹ rải chất độc da cam/dioxin. Tổng hợp các cơ quan chức năng Kon Tum khẳng định: Trong Chiến dịch khai quang rừng núi Trường Sơn, có tổng số 311 phi vụ với 171 tấn chất độc da cam/dioxin (trong đó chứa khoảng hơn 15 kg dioxin) đã rải xuống địa bàn tỉnh. Hậu quả của chất độc da cam kéo dài cho đến ngày nay, khi mà đất nước thống nhất hơn 33 năm, nhưng trên địa bàn Kon Tum vẫn còn 9.457 người bị ảnh hưởng bởi các di chứng, trong đó có gần 3 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi (thuộc thế hệ thứ 3) bị khuyết tật và di tật bẩm sinh. Bà Đỗ Thị Hải Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Trên địa bàn huyện hiện còn 278 người tàn tật nặng cần hỗ trợ các dụng cụ chỉnh hình và điều trị phục hồi chức năng để tự chăm sóc bản thân, hoà nhập cộng đồng. Việc Quỹ Nhật Bản và Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam tổ chức đo khám làm dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật đã góp phần giảm bớt nỗi đau chiến tranh, chia sẻ những mất mát của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi mong rằng tới đây các tổ chức phi chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhân đạo từ thiện tương tự.”. Theo cam kết của ông Trần Văn Ca, đại diện Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam thì trong thời gian tới đây hội phối hợp với Quỹ Nhật Bản tiếp tục tài trợ tỉnh Kon Tum xây dựng khoảng 20 điểm trường, xây dựng nhà nội trú cho học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú và Trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại huyện Sa Thầy, cấp xe lăn, xe lắc cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, từ tháng 9 năm 2008 đến tháng 8-2010, Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam còn phối hợp với Quỹ Ford (trụ sở tại New York, Mỹ) tiến hành giải ngân khoản hỗ trợ 171 nghìn USD giúp cho người khuyết tật và nạn nhân chất dộc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội và hoà nhập cộng đồng.
Được biết, từ năm 1992 đến nay, Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam đã phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ triển khai nhiều chương trình nhân đạo, từ thiện ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần nâng cao đời sống về mọi mặt cho hàng chục nghìn người, trong đó chủ yếu là nạn nhân chất dộc da cam/dioxin, người khuyết tật và bà con vùng dân tộc thiểu số./.
Bài và ảnh: Kiều Bình Định