QĐND Online – Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, không nên đến bệnh viện đang bị quá tải ở thời điểm có dịch sởi, đưa người thân đi tiêm phòng nếu chưa có miễn dịch, tránh nơi đông người là giải pháp mà các chuyên gia y tế đưa ra trong buổi phỏng vấn trực tuyến các nhà quản lý và chuyên gia y tế về bệnh sởi diễn ra sáng 18-4 tại Báo Điện tử VnExpress.
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng sởi tốt nhất
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiện nay, tại Hà Nội là 1.062 trường hợp mắc sởi, xuất hiện rải rác tại 26 quận, huyện. Một số tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... có mắc sởi nhưng số ca mắc đã giảm mạnh, chỉ còn ghi nhận một vài ca lẻ tẻ và không còn ca bệnh.
Để phòng bệnh sởi, PGS, TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, việc tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất. Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, vắc-xin sởi là một trong những vắc-xin có hiệu lực cao nhất, khoảng 95%. Như vậy, trong số 100 trẻ được tiêm, sẽ có một số trẻ tiêm rồi vẫn có khả năng mắc bệnh. Điều này phụ thuộc vào hiệu lực của vắc-xin và sự đáp ứng miễn dịch của trẻ. Do đó, hiện nay, nước ta tổ chức tiêm chủng sởi mũi 2 cho trẻ vào lúc trẻ 18 tháng tuổi, thay vì chỉ một mũi lúc 9 tháng tuổi như trước kia. Đối với vắc-xin MR (Sởi và Rubela), mũi một lúc 1 tuổi và mũi nhắc lại lúc 4-6 tuổi để củng cố miễn dịch cho trẻ.
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, sởi là một trong những bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, nghĩa là được tiêm miễn phí và theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì bắt buộc mọi người phải đi tiêm chủng để bảo đảm miễn dịch cộng đồng. Thống kê số trẻ mắc bệnh thời gian qua cho thấy phần lớn là các cháu chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi. Do vậy, phụ huynh cần lưu ý tiêm phòng sởi đầy đủ theo đúng khuyến cáo của chương trình tiêm chủng dành cho các bà mẹ mang thai cũng như cho trẻ em.
Khi trẻ đã được tiêm vắc-xin thành công và có miễn dịch với sởi, trẻ sẽ được bảo vệ không bị mắc sởi, và không mang virus sởi để lây truyền cho người khác. Những trẻ sau khi đã bị mắc sởi thì cơ thể sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh sởi bền vững suốt đời. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc-xin, phải cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ. Trong thời gian cơ thể chưa có miễn dịch bảo vệ thì vẫn có nguy cơ phơi nhiễm và mắc bệnh. Vắc-xin sởi là vắc-xin sống giảm độc lực, do đó, trong một số trường hợp sau tiêm vắc-xin có thể có sốt, phát ban nhẹ và tự khỏi trong thời gian ngắn. Một số dấu hiệu như sốt nhẹ, nổi ít mẩn ở mặt và cổ sau đó tự hết… sau khi tiêm phòng chích sởi có thể coi là dấu hiệu của virus vắc-xin đã phát huy tác dụng và sau đó sẽ có miễn dịch với sởi.
Hiện nay, bệnh sởi vẫn còn xuất hiện rải rác, vì vậy, đối với bất kể ai chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi, và có biểu hiện sốt, cần đến khám ngay tại cơ sở y tế để chích ngừa sởi. PGS, TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, phụ huynh có thể cho con đi tiêm mũi 2 sớm hơn lịch hẹn nhưng phải cách mũi một trên một tháng.
Cần cách ly trẻ bị bệnh
PGS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương khuyến cáo, cách tốt nhất khi trẻ có biểu hiện như sốt, ho hoặc có dấu hiệu bất thường khác, nên đưa các bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và tư vấn đầy đủ.
Đối với riêng bệnh sởi, PGS Bùi Vũ Huy đưa ra một vài dấu hiệu nhận biết chính như: Bệnh sởi thường xuất hiện ở những trẻ chưa được tiêm phòng sởi; trẻ có sốt cao 39-40 độ, kèm theo mắt kèm nhèm, ho nhiều, ho khan, chảy nước mũi, thậm chí có tiêu chảy phân lỏng 1-2 lần trong ngày; đến ngày thứ 3 của sốt sẽ thấy ban sởi mọc, thông thường bắt đầu ở vùng sau tai, trán, mặt, lan dần xuống cổ, thân mình và chân tay. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để được tư vấn đầy đủ hơn.
Khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh thì cần nghỉ học, không cho tiếp xúc với các trẻ khác và cần đưa trẻ đến y tế cơ sở để được khám và hướng dẫn, tránh việc đưa trẻ thẳng lên các bệnh viên tuyến trên gây quá tải cũng như làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Trong giai đoạn này, khi dịch sởi đang diễn ra, PGS Bùi Vũ Huy khuyến cáo, đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì vậy cần tránh tụ họp, tránh chỗ đông người. Người lớn mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ để tránh tình trạng mang vi khuẩn virus trong môi trường về cho các cháu; đồng thời thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các biểu hiện bệnh để đưa đi khám.
Tránh tập trung tại một cơ sở để hạn chế lây lan
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, việc trẻ em đến bệnh viện để chữa các bệnh khác mà tiếp xúc với nguồn lây có khả năng mắc bệnh sởi. Ngoài ra, ở bệnh viện có số trẻ mắc sởi đông sẽ không có khả năng thực hiện tốt các biện pháp cách ly do bị quá tải, do đó, các bệnh nhân đến khám không được theo luồng riêng, không được phân tách các bệnh truyền nhiễm riêng; trẻ em nằm quá đông, thậm chí nằm chung giường bệnh thì khả năng mắc sởi cũng như các bệnh khác khá cao. Chính vì vậy, trong thời gian qua, một số bệnh viện tuyến trung ương quá tải, không có điều kiện cách ly tốt nên một số trường hợp đến điều trị các bệnh khác đã bị nhiễm sởi.
 |
Quá tải ở Bệnh viện Nhi Trung ương.
|
PGS, TS Trần Đắc Phu khuyên các bà mẹ có con nếu mắc bất kỳ bệnh nào thì cần đến cơ sở y tế tuyến cơ sở để được khám và tư vấn xem nên điều trị ở tuyến nào là phù hợp. Những bệnh nhẹ thì có thể điều trị ở nhà hoặc những cơ sở y tế tuyến dưới, không đi lên tuyến trên, nơi đang điều trị những bệnh nhân sởi, vì ở đó có nguồn lây bệnh.
Tuy nhiên, khi trẻ đưa đến lịch tiêm phòng sơi, PGS, TS Trần Đắc Phu khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người; không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi; không cho trẻ đến nơi đang có dịch, những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm sởi như bệnh viện, phòng khám - nơi đang tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân sởi. Ngoài ra, người chăm sóc trẻ cũng không nên tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh sởi hoặc nghi sởi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sau đó cần thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ. Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế, ẵm, chăm sóc trẻ; đồng thời bảo đảm vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ. Khi trẻ đủ 9 tháng, cần cho đi tiêm vắc-xin sởi đúng lịch.
PGS, TS Trần Đắc Phu cũng khẳng định, hiện nay, không có bằng chứng khoa học nào về việc tắm hạt mùi có tác dụng phòng tránh bệnh sởi.
Khi trẻ được chẩn đoán là bị mắc sởi, bước đầu, phụ huynh nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, không nên đến chỗ tập trung quá đông bệnh nhân để tránh lây bệnh. Ngoài ra, cần xin ý kiến đầy đủ về cách chăm sóc cháu tại nhà, sau đó có thể chăm sóc con tại nhà theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý: Khi trẻ sốt, cần dùng thuốc hạ nhiệt, nên dùng thuốc đặt hậu môn vì loại thuốc này tan dần trong 6 tiếng giúp duy trì nhiệt độ luôn luôn dưới 38,5 độ, phòng nguy cơ co giật cho các cháu; vệ sinh sạch sẽ răng miệng, mắt, mũi, da, có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm và xà phòng, nhưng nên tắm nhanh ở nơi kín gió; chú ý bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ.
Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, như đã hết sốt tự nhiên lại xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, trẻ có biểu hiện chói mắt hoặc có biểu hiện đi ngoài hoặc các biểu hiện bất thường khác... cần đưa đi khám lại ngay để bác sĩ sẽ xem xét và quyết định trẻ có cần nhập viện điều trị.
PGS Bùi Huy Vũ cũng khẳng định, bệnh sởi hiện đã có vắc-xin phòng rất đặc hiệu. Do đó, chúng ta cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế để được phòng bệnh một cách chắc chắn.
NGUYÊN THẢO
Đã có 8.521 ca mắc, 112 ca tử vong do sởi
Cách phòng ngừa biến chứng của sởi hiệu quả
Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào?
Vì sao Bộ Y tế chưa công bố dịch?
Khu vực điều trị bệnh sởi phải có biển cảnh báo
Phòng bệnh sởi, không có cách nào hiệu quả hơn tiêm phòng
Vì sao nên hạn chế chuyển trẻ bị bệnh sởi lên bệnh viện tuyến trên
Chăm sóc con đúng cách khi bị bệnh sởi
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung phòng, chống bệnh sởi