QĐND - Đến nay, toàn quân đã có 24 cơ quan, đơn vị với 49 bếp ăn thực hiện xã hội hóa (XHH). Ở hầu hết các bếp ăn XHH, chất lượng, hiệu quả công tác nuôi dưỡng bộ đội được nâng cao, khẳng định sự đúng đắn của chủ trương này. Tuy nhiên, vừa qua một số ít cán bộ có ý kiến phản ánh việc giải quyết “đầu ra” cho sản phẩm TGSX ở bếp ăn XHH còn khó khăn; việc bảo đảm hậu cần trong diễn tập, dã ngoại cũng còn vướng mắc… Chúng tôi đã tìm hiểu thực tế xung quanh vấn đề này.

Thương thảo kỹ trước khi ký hợp đồng

Theo ý kiến phản ánh của một số cán bộ cơ sở, khi thực hiện chủ trương XHH, việc giải quyết “đầu ra” cho sản phẩm TGSX còn khó khăn. Cụ thể, ban quản lý bếp ăn XHH chỉ ưu tiên nhập thực phẩm từ bên ngoài, nên sản phẩm tăng gia của đơn vị không có “đầu ra”, hoặc phải nhập vào bếp với giá thấp khiến phong trào TGSX của đơn vị đi xuống.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Hoàng Vân, Trưởng ban Quân nhu Học viện Kỹ thuật quân sự cho rằng: Việc khó nhập sản phẩm TGSX vào bếp ăn XHH chỉ là cá biệt, xuất phát từ việc giữa đơn vị và nhà thầu chưa tìm được “tiếng nói chung”.

Học viện Kỹ thuật quân sự hiện có 2 bếp ăn XHH, quân số ăn dao động từ 1.500 đến 2000 người. Theo Trung tá Nguyễn Hoàng Vân, việc nhập sản phẩm TGSX đưa vào các bếp ăn XHH không chỉ giúp nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện bữa ăn bộ đội mà còn giúp ổn định giá cả, nhất là thời điểm giáp vụ, thiên tai (như thời điểm tháng 7, 8-2013, do mưa bão, giá rau xanh trên thị trường Hà Nội lên tới 20.000-30.000 đồng/kg, nhưng rau của đơn vị nhập vào bếp ăn chỉ 5000 đến 7000 đồng/kg). Với hệ thống vườn, ao, chuồng TGSX quy mô lớn, sản lượng hằng năm đạt khoảng 190 tấn rau xanh; 220 tấn lợn hơi… hiện nay việc nhập sản phẩm TGSX vào bếp ăn XHH của Học viện Kỹ thuật quân sự đã trở thành nền nếp. Tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, đơn vị đã nhập vào bếp ăn XHH 172 tấn rau, củ, quả và 95,7 tấn thịt các loại…

 

 Bếp ăn XHH Trường Đại học Trần Quốc Tuấn hiện tiêu thụ hầ hết sản phẩm TGSX của nhà trường.

Kinh nghiệm thực tế ở Học viện Kỹ thuật quân sự cho thấy, nhà thầu thường tính toán để lợi nhuận cao nhất nên không muốn bị “bó buộc” phải nhập sản phẩm TGSX. Tuy nhiên, với quan điểm TGSX phải phục vụ bộ đội, Ban Quân nhu kiên quyết tham mưu cho cấp trên đưa điều khoản nhập sản phẩm TGSX vào hợp đồng. Việc thương thảo được thực hiện rất cụ thể, chi tiết; dự kiến từng tình huống phát sinh, từng khó khăn, thuận lợi của cả đơn vị và nhà thầu… trên cơ sở mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hòa cả hai bên, sản phẩm TGSX có chất lượng tốt, giá cả thấp hơn giá thị trường và khung giá quy định theo chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu xuất hiện các vấn đề phát sinh, hai bên sẽ kịp thời bạc bạc, tìm hướng giải quyết phù hợp trên tinh thần xây dựng. Mặt khác, do sản lượng TGSX lớn nên để tránh tình trạng “khi thừa, khi thiếu” hoặc giá cao hơn giá thị trường, cơ quan quân nhu tham mưu tích cực cho hội đồng giá, chú trọng việc điều tiết chung, tổ chức trồng cây xen canh gối vụ hợp lý hoặc tìm hướng tiêu thụ ngoài thị trường.

Thương thảo kỹ, ký kết hợp đồng chặt chẽ; đơn vị chủ động phối hợp với nhà thầu XHH bàn bạc, giải quyết hợp lý những vấn đề phát sinh và làm tốt việc điều tiết sản phẩm là mấu chốt để giải quyết “đầu ra” cho sản phẩm TGSX. Với cách làm như vậy, ngoài Học viện Kỹ thuật quân sự, các nhà trường mà chúng tôi có dịp khảo sát như Trường Đại học Trần Quốc Tuấn; Học viện Hậu cần… đều giải quyết rất tốt vấn đề này.

Linh hoạt trong bảo đảm phục vụ dã ngoại, diễn tập

Việc bảo đảm bữa ăn cho bộ đội trong quá trình huấn luyện dã ngoại, diễn tập hiện đang được các đơn vị tổ chức rất linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị. Một số học viện, nhà trường tổ chức huấn luyện, dã ngoại tập trung ở các trung tâm (có bếp ăn) hoặc diễn tập, dã ngoại xa đơn vị, trong điều kiện quân số phân tán, địa bàn hoạt động rộng…việc bảo đảm ăn uống vẫn sử dụng lực lượng của đơn vị là chủ yếu. Bên cạnh đó, để huấn luyện sát với thực tế, một số học viện, nhà trường không yêu cầu bếp ăn XHH phải tổ chức phục vụ khi huấn luyện, dã ngoại mà học viên tự đào bếp Hoàng Cầm, tự bảo đảm ăn uống. Ở một số đơn vị khác, khi huấn luyện dã ngoại, lực lượng XHH tổ chức nấu ăn ở địa điểm phù hợp rồi đưa lên cho bộ đội; hoặc khi bộ đội đào xong bếp Hoàng Cầm, đơn vị phối hợp với lực lượng XHH để nấu ăn phục vụ bộ đội...

XHH công tác nuôi dưỡng bộ đội là nội dung mới. Thời gian tới, Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) cùng các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp bảo đảm phục vụ diễn tập, dã ngoại, không ảnh hưởng tới nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện của các học viện, nhà trường có bếp ăn XHH.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN