Thế nên, giải ngân vốn ĐTC được các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặc biệt quan tâm. Lần đầu tiên, “kịch bản” giải ngân vốn ĐTC được xây dựng một cách cụ thể và quyết liệt ngay từ đầu năm.
Tăng tốc giải ngân
Sau thời gian nỗ lực triển khai thi công, cuối tháng 4-2021, người dân TP Cần Thơ vui mừng khôn xiết bởi đường Trần Hoàng Na chính thức đưa vào sử dụng. Đây là công trình thuộc gói thầu CT3-PW-2.2 của Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3), vốn vay Ngân hàng Thế giới, khởi công xây dựng vào tháng 1-2018. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song công trình vẫn được hoàn thành kịp tiến độ. Điều này không chỉ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho thành phố, giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh mà còn cho thấy sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền thành phố trong công tác giải ngân vốn ĐTC.
 |
Tuyến đường Trần Hoàng Na, TP Cần Thơ đưa vào sử dụng cho thấy sự nổ lực của chính quyền thành phố trong giải ngân vốn ĐTC. Ảnh: TRẦN AN |
 |
Cầu Quang Trung (TP Cần Thơ) sử dụng nguồn vốn ODA hoành thành đúng tiến độ dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: TRẦN AN |
Theo ông Đoàn Thanh Tâm, Phó giám đốc Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ: “Để công trình đạt tiến độ thi công, kịp thời đưa vào sử dụng, ngay từ đầu năm, lãnh đạo thành phố và ban quản lý dự án thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ “nút thắt” trong công tác giải phóng mặt bằng. Ðồng thời, quan tâm việc vận động bàn giao mặt bằng, bảo đảm kịp thời thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Cùng với đó, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị thi công công trình tập trung trang thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ và quan tâm đến chất lượng công trình”.
Tỉnh Tiền Giang là địa phương đạt 80% tiến độ giải ngân vốn ĐTC năm 2020, nằm trong nhóm địa phương giải ngân cao của cả nước. Năm 2021, để không bị động, tỉnh đã triển khai việc giải ngân vốn ĐTC từ khá sớm. Nhờ việc đôn đốc, kiểm tra sát sao nên tiến độ thực hiện các dự án, công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được bảo đảm. Cụ thể, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng đang bảo đảm đúng tiến độ thi công so với kế hoạch. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành thi công phần khung và đưa vào vận hành vào cuối tháng 10-2021 (rút ngắn một tháng so với dự định). Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, năm 2021, kế hoạch vốn giao cho đơn vị 547,09 tỷ đồng để đầu tư thực hiện 26 công trình. Đến nay, đơn vị đã giải ngân hơn 325 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch vốn giao.
Vẫn còn những vướng mắc
Mặc dù cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc và có sự chủ động ngay từ đầu năm, tuy nhiên bức tranh giải ngân vốn ĐTC của ĐBSCL vẫn còn những hạn chế, vướng mắc. Điển hình như Bến Tre, tính đến hết tháng 6, tỷ lệ giải ngân mới đạt 1,75% kế hoạch; Kiên Giang đạt 12%; An Giang đạt 14,55%; Bạc Liêu 23,86%.... Theo các địa phương, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Là đơn vị đang triển khai nhiều dự án lớn, mang tính trọng điểm và cấp bách của tỉnh Cà Mau, ông Lâm Minh Thời, Trưởng ban quản lý Dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh không khỏi lo lắng, bởi đến nay, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC còn “ngủ yên” ngay từ vạch xuất phát. “Hiện, ban đang làm chủ đầu tư 9 dự án từ 3 nguồn vốn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ; xổ số kiến thiết và ngân sách dự phòng của Trung ương. Đến nay, nhiều dự án như: Dự án xây dựng bờ kè cấp bách bảo vệ bờ biển khu vực cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy (huyện Ngọc Hiển) và Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư xã Tam Giang Ðông (huyện Năm Căn) với tổng nguồn vốn từ năm 2020 chuyển sang gần 15 tỷ đồng, mà chưa giải ngân được đồng nào”, ông Thời thông tin.
 |
Công trình khẩn cấp đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) nhưng tốc độ thi công chậm. Ảnh: THANH MINH |
Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ lý giải, nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh, vướng mắc về quy trình thủ tục, giá vật liệu biến động... Song nguyên nhân chủ quan còn do tình trạng các chủ đầu tư chậm trễ trong giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến thi công.
Tương tự, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thế nên kế hoạch vốn năm 2021 của tỉnh được bố trí phần lớn cho các dự án khởi công mới. “Nguồn vốn nước ngoài (ODA) giải ngân chậm do các khâu thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc triển khai dự án phải chờ sự chấp thuận từ Trung ương. Còn đối với các dự án dự kiến khởi công mới năm 2021 sử dụng vốn ngân sách Trung ương, chủ yếu tập trung thực hiện quy trình thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu... nên rất khó khăn trong việc giải ngân hết kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021 được phân bổ theo thời hạn quy định”, ông Vũ lý giải.
Xây dựng quy trình, rõ ràng trách nhiệm
Để tháo gỡ những khó khăn và nỗ lực hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn ĐTC năm 2021, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giải ngân vốn ĐTC nhiều năm nay chậm có nguyên nhân quan trọng do tuân thủ các quy trình thủ tục phức tạp. Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra kỹ và tiến hành phân bổ hết vốn cho từng dự án. Trên cơ sở đó, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành đúng quy định làm cơ sở cho việc giải ngân. Các đơn vị khẩn trương hoàn tất thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án đầu tư có tiềm năng, dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu...
Về phía địa phương, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, vấn đề thực thi sẽ là yếu tố quan trọng. Giải ngân vốn ĐTC là vấn đề năm nào cũng đem ra bàn thảo, tìm giải pháp, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Vì thế, mấu chốt của bài toán này là sự quyết liệt của từng lãnh đạo địa phương. “Hiện tại, cùng với việc điều hành linh hoạt, quyết liệt trong điều chuyển vốn của các chủ đầu tư chậm giải ngân sang cho chủ đầu tư khác, tỉnh còn xử lý nghiêm các nhà thầu chậm tiến độ, đồng thời làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư. Tỉnh cũng xem xét trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo địa phương khi không hoàn thành mục tiêu, tiến độ giải ngân vốn ĐTC", ông Thanh nói. Ở các địa phương khác trên địa bàn cũng đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC.
Với "phương thuốc đặc trị" vừa được Chính phủ “kê đơn” là siết kỷ luật trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn ĐTC cùng với sự vào cuộc quyết liệt của từng địa phương, hy vọng việc giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn ĐBSCL sẽ đạt được tiến độ như mong đợi, góp phần sớm hoàn thành các dự án, tạo cơ sở cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19.
THÚY AN