QĐND - Cả nước hiện có hàng nghìn hồ chứa nước được xây dựng và khai thác từ mấy chục năm qua. Do thời gian và sự tác động của thiên nhiên, con người, các hồ chứa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ có thể gây mất an toàn trong mùa mưa, lũ. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi về vấn đề trên.
 |
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng.
|
Chấn chỉnh ngay công tác quản lý, vận hành hồ chứa
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí Thứ trưởng cho biết, tình hình sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa hiện nay ra sao?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Hiện nay, số lượng hồ chứa (gồm hồ thủy điện, hồ thủy lợi) trong cả nước là 6.800 hồ, trong đó có hơn 600 hồ lớn (dung tích hơn 3 triệu m3 hoặc đập cao hơn 15m).
Trong hơn 10 năm qua, chúng ta đã nâng cấp, sửa chữa khoảng 600 hồ, đập lớn. Số hồ, đập này sau khi được sửa chữa, nâng cấp đã bảo đảm an toàn, trong đó nhiều hồ, đập đạt theo tiêu chuẩn quốc tế. Ước tính tổng kinh phí phục vụ công tác sửa chữa, nâng cấp hồ, đập từ năm 2003 đến nay khoảng 6000 tỷ đồng. Nếu tính theo giá thời điểm hiện tại tương đương khoảng 12.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn.
Trước đây, khi chưa có chương trình nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập lớn, mỗi mùa mưa, bão, chúng ta rất lo lắng về sự an toàn. Nhưng kể từ khi Chính phủ triển khai thực hiện nâng cấp, sửa chữa đã giúp chúng ta yên tâm hơn đối với các hồ, đập lớn.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 4000 hồ, đập nhỏ (dung tích dưới 1 triệu m3, do các hợp tác xã xây dựng trước đây) đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Thời kỳ đó, trong điều kiện khó khăn về kinh tế, các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng chưa hoàn chỉnh, công nghệ thi công đơn giản, chủ yếu làm thủ công... Các hồ chứa này khiến chúng ta lo ngại, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đang diễn ra phức tạp như hiện nay.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các hồ, đập. Chúng tôi đã "lọc" ra hơn 300 công trình cần được nâng cấp, sửa chữa cấp bách, trong đó có 169 công trình cấp bách nhất đã kiến nghị Thủ tướng có biện pháp xử lý. Thủ tướng chỉ đạo phải giải quyết ngay kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập này. Tôi nghĩ với nỗ lực đó, từ nay đến 2020, vấn đề an toàn hồ, đập sẽ được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, những giải pháp phi công trình phải được tiến hành ngay trong mùa mưa bão 2014. Trước mắt, công tác quản lý, vận hành phải được chấn chỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ gây mất an toàn đối với hồ, đập.
PV: Nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa cần rất lớn. Thời gian qua, các tổ chức quốc tế hỗ trợ chúng ta như thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Các tổ chức quốc tế rất ủng hộ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập. Chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới với các dự án: WB4, WB5 hỗ trợ về nâng cao năng lực thể chế, năng lực an toàn hồ, đập. Nhờ sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức quốc tế khác, chúng ta đã nâng cấp được 10 hồ, đập lớn, bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế như: Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); hồ Thủy điện Phú Ninh (Quảng Nam), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), hồ Cấm Sơn (Bắc Giang)…
PV: Thưa Thứ trưởng, có hay không tình trạng một số địa phương phân bổ nguồn vốn thực hiện sửa chữa các hồ chứa chưa đúng mục đích?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Qua kiểm tra, phần lớn các địa phương tuân thủ tốt, nhưng cũng có một số địa phương lại kết hợp sửa chữa hồ, đập và củng cố kênh mương. Chúng tôi đang chuẩn bị văn bản, yêu cầu các địa phương phải tập trung vốn vào những hạng mục chính, bảo đảm trước hết là an toàn hồ, đập vì kinh phí đầu tư có hạn. Năm 2013, các địa phương có đề nghị Chính phủ hỗ trợ để sửa chữa khẩn cấp 93 hồ, đập với tổng kinh phí 525 tỷ đồng, ứng vốn năm 2014, hiện còn thiếu hơn 400 tỷ đồng nữa. Vừa qua, Thủ tướng đã quyết định giải quyết ngay.
PV: Thực trạng hệ thống quan trắc và quản lý vận hành các hồ, đập hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Như chúng ta đã biết, việc dự báo lượng mưa rất quan trọng! Vì nếu dự báo đúng giúp chúng ta có thể chủ động xả nước trước, bảo đảm an toàn cho hồ, đập. Thời điểm cuối mùa mưa, nếu xả không đúng, đến mùa khô sẽ thiếu nước phục vụ sản xuất; ngược lại, nếu không xả thì khi mưa lũ sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, dự báo khí tượng thủy văn đòi hỏi phải có hạ tầng kỹ thuật rất cao, từ trang bị hệ thống đo phân tán đến hệ thống ra-đa thời tiết, hệ thống quan trắc từ vệ tinh... Chính phủ luôn chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề này; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực thực hiện; các tổ chức quốc tế cũng tích cực hỗ trợ. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật phải song hành với công tác quản lý.
Vừa qua, chúng tôi đã mở lớp đào tạo trên cả nước, đồng thời kết hợp kiểm tra, giám sát, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, vận hành hồ chứa, cũng là giải pháp bắt buộc phải thực hiện trong mùa mưa lũ năm nay.
Tất cả hồ chứa đều phải có quy trình vận hành
PV: Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm này, quy trình vận hành hồ chứa được Bộ NN&PTNT thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Đối với các hồ chứa lớn, hồ chứa vừa, chúng ta đều đã có quy trình vận hành rồi. Nhưng đối với các hồ chứa nhỏ lại rất yếu về vấn đề này, vì các hồ chứa nhỏ không có cửa van xả, nước vào đầy sẽ tràn qua đập, không cần quản lý vận hành. Tôi cho rằng, đây là tư duy và cách làm cũ. Đã có hồ chứa thì phải có sự quản lý, vận hành. Chúng tôi đang đề nghị các địa phương cần phải có quy trình vận hành cho cả những hồ chứa nhỏ.
Tôi nghĩ các hồ, đập nhỏ, người dân được hưởng lợi trực tiếp, vì vậy, công tác quản lý những hồ, đập nhỏ nên huy động sự tham gia của người dân.
PV: Quy định trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương về an toàn hồ, đập như thế nào trong lần sửa Nghị định 72, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Hiện nay, chúng tôi đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để sửa Nghị định 72 về an toàn hồ, đập. Trong lần sửa đổi, Nghị định mới sẽ làm rõ trách nhiệm cùng từng bộ, ngành, địa phương đối với công tác quản lý, vận hành hồ, đập.
Từ đầu năm 2014, Bộ NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra hồ, đập, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Chúng tôi cũng mong sự vào cuộc của các chủ hồ, đập và chính quyền địa phương trong công tác quản lý hồ, đập. Với hàng nghìn hồ, đập, nếu chỉ có các cơ quan Trung ương thì không thể quản lý nổi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)