Một thực tế đáng quan tâm hiện nay ở các địa phương là vi phạm về đất đai nhiều, nhưng phát hiện và xử lý, trong đó có việc thu hồi chưa cao, dây dưa, kéo dài. Chính vì vậy cần khuyến khích việc các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh và thu hồi tích cực diện tích đất sai phạm.
Năm 2006 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã tiến hành 26 cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Kết quả thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị với diện tích đất rất lớn. Điều đáng quan tâm là cơ quan Thanh tra đã kiến nghị chính quyền thành phố thu hồi gần 52ha đất sai phạm. Tuy nhiên, dư luận cũng lo ngại cho rằng việc thu hồi được hết và nhanh chóng toàn bộ số diện tích đất trên cũng còn lắm khó khăn, vất vả mới có thể thực hiện thành công.
Từ kết quả thanh tra trên của TP Hồ Chí Minh cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra và xử lý nghiêm túc kết quả thanh tra về đất đai. Chúng ta phải bằng mọi cách kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương phép nước trong lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp này.
TRẦN VIỆT (Bộ Công an)
Nghĩa cử của ông Châu Quang Thu
Cơn bão số 6 đã làm sụp hoàn toàn ngôi nhà của cụ Lâm Thị Sang, 80 tuổi ở tổ 2, thôn Phước Thuận-Hòa Nhơn-Hòa Vang-Đà Nẵng. Cụ Sang già cả, neo đơn, đau ốm luôn, sống một mình không có con cái. Trước hoàn cảnh của cụ không có chỗ che mưa, che nắng, trong khi đó sau bão thì trời lại mưa liên tục, cảm thương trước hoàn cảnh của cụ Sang, ông Châu Quang Thu, người ở phường Hòa Thọ Đông-Cẩm Lệ-Đà Nẵng-một chủ trang trại ở thôn Phước Thuận-đã tìm người đến dựng lại căn nhà cho cụ. Mọi tiền công, ăn uống ông đều lo hết cho đến khi căn nhà dựng xong.
Việc làm của ông Thu là một nghĩa cử đẹp, đã thể hiện truyền thống "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách" tốt đẹp của dân tộc ta, thật đáng hoan nghênh, trân trọng, phát huy.
NGUYỄN VĂN TÚ (Trường THCS Hòa Nhơn-Hòa Vang-Đà Nẵng)
Phường An Tảo cần sớm có trạm y tế
Thực phẩm an toàn đang được toàn xã hội quan tâm. Trong đó việc trồng rau, quả đúng cách, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật là một đòi hỏi cấp thiết đối với nghề trồng rau. Vì có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật mới cho ra những sản phẩm rau, quả an toàn. Tuy nhiên, hiện nay ở không ít nơi, việc này chưa thật sự được chú ý. Vừa qua, Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi đã tiến hành thanh tra về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với một số hộ nông dân trồng rau ở huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn và TP Quảng Ngãi. Kết quả có 68/95 hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật như: dùng quá liều lượng; không bảo đảm thời gian cách ly; bao bì, vỏ chai thuốc trừ sâu sử dụng xong vứt bừa bãi… Kết quả trên có tỷ lệ cao và như vậy, người tiêu dùng đang phải hàng ngày đối mặt với nguy cơ sử dụng rau, quả không an toàn.
Hiện tượng trên không chỉ có ở Quảng Ngãi mà còn là thực tế ở nhiều địa phương với nguyên nhân chủ yếu là do người nông dân chưa nhận thức hết được tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách. Ngoài ra còn do lợi ích trước mắt để sớm có sản phẩm, nhiều nông dân dù nắm được kỹ thuật cũng tự ý bỏ qua. Để khắc phục tình trạng này, các cấp chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền để người nông dân hiểu và nắm chắc kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cũng như tác hại của việc sử dụng sai kỹ thuật để từ đó tự giác thực hiện theo. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên tiến hành kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân để sớm có biện pháp chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý để khắc phục.
TRẦN THÀNH TUẤN (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi)
Làm giàu từ sản xuất giống gia cầm
Có thể nói xã Đông Hòa-thành phố Thái Bình là “mảnh đất đa nghề”, nhưng tập trung là nghề dệt bao đay truyền thống, nghề làm cây cảnh và gần đây là phát triển kinh tế trang trại. Một trong những người đã gắn bó và làm giàu từ nghề ấp trứng giống gia cầm là cựu chiến binh Nguyễn Văn Đạo. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1987 trở về địa phương anh bươn chải kiếm sống đủ nghề từ làm long nhãn, long vải rồi nấu rượu, nuôi lợn… vất vả, gian truân nhưng vẫn nghèo.
Có lẽ bước ngoặt trong thay đổi kinh tế gia đình từ khi anh đến thăm người bạn làm chủ trang trại năm 1997. Về nhà anh đã nảy sinh ý định làm giàu bằng việc chăn nuôi gia cầm. Lúc đầu anh nuôi gà thịt với quy mô nhỏ, dần dần anh tích lũy kinh nghiệm và chuyển sang chuyên làm con giống. Anh đã đầu tư mua giống ở những cơ sở chăn nuôi chất lượng cao, đồng thời học hỏi kỹ thuật ấp trứng sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, kháng bệnh tốt, lớn nhanh… nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nghĩ sao làm vậy, anh vay vốn ngân hàng, huy động vốn của gia đình, bạn bè, quy hoạch lại chuồng trại theo hướng tập trung; đồng thời đọc sách báo, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật ấp và nuôi gia cầm, cách phòng và chữa bệnh… rồi đi tham quan học hỏi một số mô hình làm kinh tế gia trại, trang trại tại một số địa phương.
Mỗi năm anh đầu tư hơn 100 triệu đồng mua con giống cho năng suất và chất lượng cao gồm gà Lương phượng và một số gia cầm khác. Anh còn mua hai máy ấp trứng để sản xuất con giống. Sản phẩm gia cầm ở trang trại của anh luôn bảo đảm an toàn dịch bệnh, có chất lượng và uy tín trên thị trường. Vì vậy, giống gia cầm của anh vẫn được khách hàng tín nhiệm. Nhiều địa phương như Hà Tây, Nam Định và các huyện Quỳnh Phụ, Tiền Hải… đã về lấy con giống ở trang trại của anh. Hiện nay, trang trại của anh Đạo có gần 1.500 con gia cầm. Trung bình mỗi năm một gà sinh sản đẻ khoảng 150 đến 180 quả trứng, cho ấp được 100 con giống thương phẩm. Sau 80 ngày nuôi, trừ chi phí cho lãi 3 đến 4 triệu đồng. Với mô hình trang trại này, bình quân mỗi năm từ ấp trứng sản xuất gia cầm, thả cá và nuôi lợn cho thu lãi trên dưới 60 triệu đồng.
Nhờ làm kinh tế trang trại mà gia đình anh đã thoát nghèo và giờ đây anh đã trở thành khá giả. Kinh tế ổn định, anh có thời gian tham gia công tác xã hội. Anh là hội viên Hội cựu chiến binh, là cán bộ của văn phòng Đảng ủy xã. Người đảng viên, người cựu chiến binh 42 tuổi đời thực sự trở thành tấm gương tiêu biểu của những cựu chiến binh biết vượt khó làm giàu.
THÙY LIÊN (Bộ CHQS tỉnh Thái Bình)
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng cách
Cùng với sự phát triển chung của thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, mấy năm gần đây phường An Tảo - phường có mật độ dân cư khá đông của thị xã cũng có nhiều đổi thay, điều kiện cơ sở hạ tầng đường giao thông, lưới điện được đầu tư xây dựng, đời sống người dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đổi thay đó thì một vấn đề tồn tại từ lâu tại phường An Tảo là hiện phường vẫn chưa có trạm y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân như các phường trên địa bàn. Hiện tại, hầu hết người dân của phường khi thấy người mệt mỏi, muốn khám trước ở y tế phường thì đều phải đến khám nhờ tại trạm y tế phường Hiến Nam gần đó. Thực trạng này không chỉ gây ra tình trạng quá tải cho trạm y tế phường Hiến Nam mà còn gây khó khăn, không tiện lợi cho người dân trong phường nhất là người già và trẻ em khi phải đến khám trong điều kiện quá đông người. Các trạm y tế phường, xã có nhiệm vụ rất quan trọng, là nơi góp phần thiết yếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đứng trước thực tế và nhu cầu thiết yếu của người dân phường An Tảo hiện nay về một trạm y tế phường, rất mong các ngành chức năng của tỉnh Hưng Yên và chính quyền phường An Tảo kịp thời phối hợp, sớm đầu tư kinh phí cũng như bố trí vị trí hợp lý, xây dựng tại phường một trạm y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
NGUYỄN PHƯƠNG THÙY (đường Nguyễn Văn Linh, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên )
Văn hóa trên giảng đường
Giảng đường là nơi diễn ra quá trình giáo dục đào tạo, là nơi hoạt động chủ yếu của nhà giáo dục và đối tượng giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa trên giảng đường đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục đào tạo. Trong các học viện, nhà trường quân đội hiện nay việc thực hiện giảng đường, thao trường chính qui góp phần rất lớn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng nền nếp chính quy ở đơn vị. Tuy nhiên, nhiều người chưa nhận thức đúng vai trò của môi trường văn hóa giảng đường đối với việc học tập của mình. Trái lại còn có những hành vi, những biểu hiện thiếu văn hóa ở trên giảng đường. Những “họa sĩ”, “thi sĩ”, những “nhà thư pháp” “trổ tài” ngay trên bàn học, cá biệt có đồng chí còn ngủ gật rất “hồn nhiên” ngay tại lớp học, đọc sách báo trong giờ tự học, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung... Tất cả những biểu hiện như vậy đã và đang làm “vẩn đục” bầu không khí văn hóa sư phạm nơi giảng đường, tác động xấu đến phong trào xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị.
Thiết nghĩ, giảng đường là môi trường sư phạm thuận lợi để chúng ta rèn đức, luyện tài, là “nhân chứng” gần gũi nhất chứng kiến quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi người chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy là những người có văn hóa, thể hiện những hành vi có văn hóa trên giảng đường, xây dựng giảng đường là một trung tâm văn hóa, một môi trường văn hóa sư phạm lý tưởng để chúng ta học tập, trau dồi kiến thức trở thành người cán bộ ưu tú của Đảng, của quân đội.
NGUYỄN VĂN TRƯỜNG (3CB-64 Long Thành, Đồng Nai)
Cần xử lý nghiêm hành vi bôi bẩn phố phường
Đã không dưới vài lần thành phố Hà Nội ra quân dẹp nạn “khoan cắt” bằng một số hình thức như: xử phạt các chủ nhân của các số điện thoại ấy; bắt họ xóa những nơi bị bôi bẩn làm lem nhem phố phường… Nhưng cũng chỉ như “ném đá xuống ao bèo”. Thời gian gần đây, tình trạng quảng cáo khoan cắt bê tông lại bắt đầu xuất hiện rất nhiều trên tường nhà mặt phố, mặt ngõ, cột điện. Chủ nhân của dịch vụ ấy thuê người ban đêm đi sơn vẽ và địa bàn hoạt động càng rộng càng tốt. Họ có thể sơn ở bất cứ đâu từ nhà công sở, nhà dân trong ngõ hẻm tới các bức tường, cột điện, thậm chí cả thân cây to, thành cầu… Không chỉ sơn đen, trắng, hồng mà để “bắt mắt” còn sơn màu đỏ chóe. Thương các bức tường mặt phố, mặt ngõ đẹp và phẳng phiu là thế tự nhiên bị bôi bẩn lem nhem trông mất mỹ quan. Số điện thoại của dịch vụ khoan cắt này sơn chồng chéo lên số điện thoại của dịch vụ khoan cắt khác và các kiểu quảng cáo dán giấy to nhỏ của trăm thứ dịch vụ như thông tắc bể phốt, gia sư, sửa chữa đồ điện, giặt là…
Để dẹp nạn “khoan cắt” và các dịch vụ quảng cáo bừa bãi làm bẩn phố phường, mất mỹ quan đô thị thì không có cách nào khác là phải xử lý thật triệt để và thường xuyên các chủ dịch vụ thông qua địa chỉ và số điện thoại. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thật nghiêm bằng tiền và có thể tăng gấp đôi mức phạt nếu họ cố tình vi phạm lần thứ ba… có như thế họ mới không bôi bẩn khắp nơi trong thành phố.
TRẦN ANH QUỐC (Đống Đa-Hà Nội)