Chuyện vươn lên thoát nghèo

Nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh hơn 60km, xã Sơn Mai được biết đến là vùng trồng cam số 1 của huyện Hương Sơn với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp sự phát triển của cây cam. Nhiều gia đình nghèo nơi đây đã khởi nghiệp từ trồng cam bằng nguồn vốn vay tín dụng ban đầu tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Tĩnh. Anh Phạm Ngọc Thưởng, 38 tuổi, thôn Kim Lĩnh, xã Sơn Mai, sinh ra trong gia đình có 7 anh em, mẹ mất sớm, bố sức khỏe yếu. Là anh cả nên anh Thưởng phải bươn chải từ nhỏ để giúp đỡ gia đình. Anh Thưởng chia sẻ: “Năm 2003, tôi vay vốn tại NHCSXH diện hộ nghèo với 10 triệu đồng để mua đất trồng cam. Từ những đồng vốn ban đầu đó, tôi cùng vợ vừa sản xuất vừa vay ngân hàng để phát triển dần mô hình trồng cam của mình qua các năm”. Đến nay, diện tích trồng cam của anh Thưởng lên đến 6ha với hơn 3.000 cây. Những năm gần đây, mỗi năm vườn cam của anh cho thu hoạch trung bình khoảng 45 tấn. Năm 2017, lợi nhuận từ cam của gia đình anh Thưởng đạt 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó, tiền nợ ngân hàng được anh trả hết. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây gia đình anh Thưởng đã xây dựng được căn nhà khang trang trên diện tích 100m2, nuôi 4 người con ăn học và có chiếc xe ô tô trị giá gần một tỷ đồng. 

Nhờ tín dụng chính sách, anh Phan Văn Hưởng, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (ngoài cùng, bên trái) đã mở được một xưởng làm đồ gỗ.

Cũng như gia đình anh Thưởng, anh Phan Văn Hưởng, 44 tuổi, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Từ nhỏ, anh Hưởng đã theo cha đi biển. Năm 1998, trong một lần đi lặn biển khi đang bị cúm, sau khi lên mặt nước, anh bị liệt hai chân. Gia đình phải bỏ ra gần 100 triệu đồng để chữa trị cho anh. Tuy vậy, việc đi lại của anh hiện vẫn rất khó khăn. Năm 2014, anh bắt đầu làm nghề mộc với quy mô nhỏ. Năm 2016, anh vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để mua máy móc. Hiện xưởng sản xuất của anh Hưởng rộng hơn 200m2, đem về thu nhập cho gia đình hơn 20 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 200.000 đồng/ngày. “Thời gian tới, tôi có kế hoạch mở rộng diện tích xưởng lên 400m2 và đầu tư mua thêm máy móc để sản xuất. Tôi mong tiếp tục được vay số tiền lớn hơn để thực hiện ý định của mình”, anh Hưởng chia sẻ.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhờ đồng vốn vay tín dụng của NHCSXH đã giúp họ thoát nghèo.

Tạo đà phát triển kinh tế-xã hội

Ông Lưu Văn Minh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, 15 năm qua, các chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, góp phần tạo việc làm cho gần 113.000 lao động; gần 102.000 hộ thoát ngưỡng đói nghèo, hơn 41.000 hộ cải thiện đời sống; gần 45.000 hộ có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; 5.632 lao động đi làm việc ở nước ngoài; hơn 125.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Theo đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,5% năm 2002 xuống 8,56% đầu năm 2017. Doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh trong 15 năm đạt gần 10.777 tỷ đồng với hơn 614.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn.

Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách của NHCSXH góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương, như: Xây dựng hơn 172.000 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa hơn 10.000 căn nhà cho hộ nghèo, hơn 400 nhà chòi hộ nghèo tránh lũ; khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống, như: Chế biến nước mắm huyện Lộc Hà, phát triển làng mộc ở Đức Thọ, nghề rèn đúc ở thị xã Hồng Lĩnh…

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, khẳng định: Thông qua thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, mà còn hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán lúa non, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm, thay đổi cách nghĩ, cách làm để người dân biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để làm giàu chính đáng. 

Bài và ảnh: LA DUY