Tuy nhiên, thị trường viễn thông Việt Nam không tránh khỏi tác động khi các hiệp định này có hiệu lực. Để giữ vững thị phần trong nước, doanh nghiệp viễn thông (DNVT) Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng và đa dạng dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin, đặc biệt cần xác định rõ mảng dịch vụ nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ DNVT nước ngoài.

Doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có nội lực tốt

Các cam kết mở cửa thị trường viễn thông của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) gần như tương tự nhau. Tuy nhiên, đối với EVFTA, mức độ mở cửa thị trường viễn thông cao hơn ở một số dịch vụ sau 5 năm hiệp định này có hiệu lực.

Cụ thể, theo hiệp định này, về dịch vụ mạng riêng ảo không có hạ tầng, Việt Nam chỉ cho phép liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép, trong đó vốn nước ngoài được phép đến 70% (kể từ năm thứ 5 khi EVFTA có hiệu lực, con số này được phép đến 75%). Còn với dịch vụ có hạ tầng chỉ cho nước ngoài được phép liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép tại Việt Nam với phần vốn trong liên doanh không quá 49%. Với dịch vụ viễn thông cơ bản khác không có hạ tầng mạng chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép với số vốn đến 65% (sau 5 năm được phép đến 75%). Nếu có hạ tầng mạng, phía nước ngoài được liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép với phần vốn đến 49%. Cùng với đó, dịch vụ truy nhập internet không có hạ tầng mạng cho phép liên doanh với số vốn đến 65% (sau 5 năm con số này lên đến 100%). Còn với dịch vụ internet có hạ tầng mạng, cho phép liên doanh với số vốn đến 50% (sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, được phép đến 65%)... 

Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) phát triển giải pháp thành phố thông minh cho Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: MINH SƠN

10 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Dù chậm triển khai 4G nhưng nước ta nhanh chóng tham gia cuộc đua 5G, bắt kịp xu hướng chung của các quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ. Hiện nay, các DNVT lớn của Việt Nam đã nắm bắt, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị dành cho mạng 5G và thử nghiệm 5G tại một số thành phố lớn.

Trước thực tế đó, đánh giá về tác động Hiệp định EVFTA đem lại đối với ngành viễn thông Việt Nam, Trưởng nhóm đa phương Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Quý Quyền cho rằng: "Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho cả hai bên. Doanh nghiệp nước ta tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hàng trăm triệu dân của Liên minh châu Âu (EU), ngược lại các nước EU có cơ hội tiến đến thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam". Ông Nguyễn Quý Quyền cũng khẳng định, với dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp trong nước hiện không chỉ giữ vững thị trường mà có nội lực rất tốt. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài không dễ dàng cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa. Hiện chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Vietnam Mobile có vốn đầu tư nước ngoài nhưng thị phần liên doanh này cũng không lớn.

Doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư cung cấp dịch vụ số, nội dung số

Tác động trực tiếp từ EVFTA đối với viễn thông là không quá lớn, nhưng sức ép cạnh tranh gián tiếp từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài là khá nhiều, nhất là về tính đa dạng và chất lượng dịch vụ. Chính vì vậy, các DNVT trong nước không nên chủ quan. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình: Thách thức lớn nhất đối với các nhà mạng Việt Nam là chất lượng dịch vụ. Trong thời gian qua, thị trường viễn thông trong nước phát triển nóng, trong khi đó chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp trong nước chưa bằng các doanh nghiệp đến từ châu Âu. 

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cũng chỉ ra hạn chế trong lĩnh vực viễn thông là cơ chế quản lý. Theo đó, viễn thông là ngành nhạy cảm, vì vậy, các cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh có nhiều ràng buộc và chặt hơn so với nhiều ngành nghề khác. 

Trước thực tế dịch vụ viễn thông truyền thống không còn mang lại nhiều lợi nhuận, giới chuyên gia phân tích, khi các doanh nghiệp EU tiến đến thị trường Việt Nam chắc chắn họ sẽ không lựa chọn vào đầu tư hạ tầng. Thay vào đó là mảng cung cấp nội dung số, dịch vụ số. 

Chia sẻ quan điểm về đánh giá trên, ông Vũ Thế Bình cho biết, Việt Nam hiện có 63 DNVT-công nghệ thông tin, trong đó có một số thương hiệu khá mạnh, sẵn sàng cạnh tranh với các nhà đầu tư EU. Hiện nay, DNVT trong nước đã chủ động dịch chuyển thành nhà cung ứng dịch vụ chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chứ không chỉ là nhà viễn thông truyền thống cung cấp các dịch vụ kết nối, điện thoại cơ bản. Các DNVT lớn, như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tập trung xây dựng các giải pháp đáp ứng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, làm chủ những công nghệ mới, như: AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain, điện toán đám mây. Do đó, theo nhận định của ông Vũ Thế Bình, sau 5 năm nữa khi EVFTA mở cửa hoàn toàn thị trường, doanh nghiệp nội cũng đã có đủ thời gian cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ EU. 

Tuy nhiên, lĩnh vực nội dung số đang vấp phải tình trạng cơ chế quản lý, thủ tục hành chính kiểm duyệt còn chậm và phức tạp, do đó làm khó các doanh nghiệp trong nước trong quá trình triển khai các sản phẩm nội dung số. Ngược lại, việc quản lý các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh nội dung số tại Việt Nam còn lỏng lẻo dẫn tới bảo hộ ngược. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị, DNVT cần chú ý tham gia hoạt động chính sách, cùng Nhà nước xây dựng các cơ chế quản lý phù hợp với mong muốn của mình để có thể cạnh tranh, đồng thời tận dụng EVFTA làm động lực để phát triển.

Chỉ khi có nội lực thật tốt, DNVT Việt Nam mới có thể chinh phục người dùng trong nước và từng bước đưa dịch vụ viễn thông Việt Nam thâm nhập thị trường EU. Để làm được điều đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, giải pháp bền vững nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, cần chuyên nghiệp hóa và nâng cao các dịch vụ cung cấp, thiết kế và cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu khách hàng. Với sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của công nghệ, các DNVT phải luôn chủ động đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đi đầu trong xu thế công nghệ mới. Đặc biệt, vấn đề đặt ra cho tất cả DNVT trong thời gian tới chính là bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin dịch vụ, nhất là sau khi chúng ta mở cửa hoàn toàn đối với dịch vụ viễn thông. Khác với nhiều ngành, trong dịch vụ viễn thông, thông tin là yếu tố chủ đạo. Vì thế, rà soát và bảo đảm an toàn thông tin của hệ thống cũng như của khách hàng sử dụng dịch vụ là việc doanh nghiệp cần chú ý thực hiện chặt chẽ, thường xuyên. 

TRÀ MY