Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều rủi ro, đứt gãy, việc tiếp tục khơi thông thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm ổn định sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thị trường nội địa và lòng tin của người tiêu dùng
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản, trong đó có mặt hàng vải thiều của hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Với quả vải thiều, khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc bị thu hẹp, lưu thông hàng hóa tại các cửa khẩu gặp khó. Trước tình hình đó, các địa phương cùng với các bộ, ngành, đơn vị đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối, nhất là trên nền tảng số, kết nối vận chuyển hàng hóa. Nhờ vậy, dù bị dịch Covid-19 bủa vây, vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương vẫn tiêu thụ khá thuận lợi cả trong nước và xuất khẩu, đặc biệt giữ vững được giá trị thương hiệu. Tính tới ngày 27-6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 196.300 tấn vải thiều, đạt 109% kế hoạch và đạt gần 95% tổng sản lượng (trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 124.517 tấn, chiếm 63,4%; xuất khẩu 71.788 tấn, chiếm 36,7%), giá bán vải tươi dao động 12.000-27.000đồng/kg; giá vải sấy khô 40.000-55.000đồng/kg.
    |
 |
Người dân mua hàng tại hệ thống siêu thị VinMart. Ảnh: ANH VIỆT |
Chia sẻ về kết quả tiêu thụ vải thiều của địa phương, ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Bên cạnh sự nỗ lực của Bắc Giang, kết quả trên là nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ tích cực của người dân cả nước. Đặc biệt, hơn 60% tổng sản lượng vải thiều được tiêu thụ trong nước, phân phối hầu khắp các tỉnh, thành phố là cơ sở để địa phương tính toán, nhìn nhận lại thị trường trong nước đầy tiềm năng, nhất là thị trường miền Nam. "Xuất khẩu vẫn là hướng quan trọng. Song việc tiêu thụ tốt trong nội địa sẽ là bước đệm bảo vệ cho xuất khẩu, để quả vải thiều không chịu nhiều sức ép hay bị phụ thuộc quá lớn vào thị trường nước ngoài", ông Phan Thế Tuấn chia sẻ.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù thị trường trong nước đang chịu tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các DN và ngành phân phối. Đây là một trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Thời điểm này, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song, các mặt hàng, phần lớn là hàng Việt Nam không biến động về giá, không có tình trạng khan hiếm hàng tại các siêu thị, người dân cảm thấy rất yên tâm mua sắm.
Nhấn mạnh thời gian qua, thị trường nội địa và lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng Việt Nam đã góp phần giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho thấy, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, 52% người được hỏi cho biết đã khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam. Thống kê cho thấy, hàng Việt Nam đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao tại các cơ sở phân phối của DN trong nước (hơn 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.
Đẩy mạnh kết nối hàng Việt Nam với người Việt Nam
Có thể thấy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa, trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay, thị trường là khâu khó nhất; giữ vững thị trường là góp phần quan trọng bảo đảm đầu ra cho các ngành sản xuất. Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng, đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, các DN Việt Nam cần có chiến lược bài bản trong việc xây dựng chất lượng, thương hiệu để không “hụt hơi” trong cuộc chạy đua giữ vững thị phần.
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Trong đó, nhấn mạnh việc tập trung triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024"; sớm xây dựng, phê duyệt Đề án thúc đẩy DN Việt Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài giai đoạn 2021-2030... Những định hướng này là cơ sở để tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần phát huy vai trò của thị trường trong nước đối với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội...
Khẳng định khi DN gặp khó về thị trường tiêu thụ, việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho DN; song, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất, để tận dụng cơ hội từ cuộc vận động, bên cạnh sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan quản lý, các DN phải có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt... để hàng hóa nội địa chinh phục người Việt Nam. Để tiếp tục phát huy vai trò của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tập trung vào các DN ngành công thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Cùng với đó, tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, thiết lập được các DN phân phối trong nước đủ mạnh, có khả năng chiếm lĩnh thị trường song song với việc phát triển DN tư nhân, hợp tác xã, DN đầu tư nước ngoài và các địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều dư địa để phát triển thương mại nội địa...
Có cùng cách nhìn nhận, nhiều ý kiến cũng kiến nghị cần đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng trong phối hợp tiêu thụ sản phẩm để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu ra và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Cần sự liên kết giữa các bộ, địa phương, hiệp hội để xây dựng những tuần lễ kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp online và tập trung. Tổ chức các hội chợ bán hàng online theo từng sản phẩm, theo tuần; liên kết một số sàn thương mại điện tử để cùng thực hiện, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng.
VŨ DUNG