Ngày 2-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng năm 2007 trên cơ sở các trường đăng ký. Dự kiến, tổng chỉ tiêu chung năm nay trong cả nước là 300 nghìn thí sinh, tăng 10% so với năm 2006. Các chỉ tiêu cụ thể của các trường sẽ được in trong cuốn "Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2007" do Bộ phát hành vào ngày 10-3 tới.

Để góp phần giúp bạn đọc và các thí sinh hiểu rõ hơn vấn đề nêu trên, chúng tôi đề cập đến những đổi mới về quy chế tuyển sinh và một số điều cần lưu ý về đăng ký dự thi tuyển sinh này.

Cao đẳng tuyển sinh theo phương án 2 chung

Theo quy chế tuyển sinh, đại học, cao đẳng hệ chính quy vừa được sửa đổi bổ sung thì điểm khác biệt mới bổ sung trong kỳ tuyển sinh năm nay là sẽ có 4 môn thi trắc nghiệm. Ngoài môn Ngoại ngữ năm nay còn có thêm 3 môn thi trắc nghiệm là: Vật lý, Hoá học và Sinh học. Điểm khác biệt nữa là, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bỏ tuyển thẳng đối với học sinh giỏi quốc gia, thí sinh vẫn phải dự kỳ thi chung của Bộ nếu có kết quả thi từ điểm sàn trở lên (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được các trường đại học, cao đẳng ưu tiên xét tuyển. Các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi trong năm 2006 (học sinh lớp 11 năm học 2005-2006) vẫn được bảo lưu kết quả tuyển thẳng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.

Việc tuyển sinh của các trường cao đẳng, Bộ khuyến khích các trường dựa vào kết quả thi đại học theo đề thi chung để xét tuyển. Các trường không dùng kết quả thi theo đề thi chung thì sẽ tuyển sinh theo phương án 2 chung (tổ chức thi chung đợt trong hai ngày 15 và 16-7 và chung đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong đó, Bộ cũng sẽ ra đề thi bằng phương pháp trắc nghiệm cả bốn môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Hoá học và Sinh học. Còn các môn còn lại, các trường tự ra đề tương ứng với từng khối thi.

Một quy định mới nữa, đây là năm đầu tiên các trường đại học, cao đẳng tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo tiêu chí số sinh viên/giảng viên.

Lưu ý phần tự chọn trong đề thi đại học

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long cho biết, cấu trúc đề thi đại học sẽ gồm hai phần: phần chung bắt buộc cho tất cả thí sinh và phần riêng tự chọn cho thí sinh học theo chương trình THTP phân ban thí điểm và thí sinh học theo nội dung chương trình không phân ban. Thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 phần lựa chọn của đề thi. Nếu làm cả 2 lựa chọn (dù làm hết hay không làm hết) bài làm coi như phạm quy và không được chấm điểm.

Nội dung đề thi bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài và có khả năng phân loại được thí sinh. Đề thi tự luận cũng được thay đổi mạnh theo hướng tăng việc kiểm tra tính sáng tạo kỹ năng thực hành của thí sinh. Mỗi đề thi gồm nhiều câu hỏi riêng biệt. Đề thi tuyển sinh thuộc danh mục bí mật của Nhà nước độ "Tối mật". Do vậy, các giám đốc đại học và học viện, Sở Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và những người có liên quan sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cá nhân về việc đảm bảo bí mật an toàn về đề thi. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bóc nhầm đề, mở túi đựng đề thi sớm hơn hoặc muộn hơn giờ quy định.

Kê khai và nộp hồ sơ như thế nào?

Theo quy định, việc đăng ký dự thi năm nay vẫn theo thông lệ của các năm trước. Thí sinh dự thi tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi cho trường đó qua hệ thống thu nhận hồ sơ của các Sở Giáo dục và Đào tạo. Khi hết thời hạn nộp hồ sơ theo hệ thống này thì nộp hồ sơ trực tiếp cho các trường theo đúng thời hạn quy định. Riêng thí sinh có nguyện vọng 1 học tại trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi hoặc hệ cao đẳng của trường đại học thì đồng thời nộp thêm một bản photocopy mặt trước của tờ phiếu đăng ký dự thi số 1. Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường đó. Các đối tượng khác thì nộp hồ sơ tại các điểm do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.

Dù học theo chương trình nào (THPT phân ban thí điểm hoặc không phân ban) thí sinh đều được quyền đăng ký dự thi vào một trong các khối thi A, B, C, D hoặc các khối năng khiếu. Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, khi khai hồ sơ đăng ký dự thi, các thí sinh có nguyện vọng 1 đăng ký vào học tại các trường có tổ chức thi tuyển thì đều phải ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường đó. Riêng thí sinh có nguyện vọng 1 học tại các trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi tuyển hoặc hệ cao đẳng của trường đại học thì cần chú ý hơn: ở mục 2 phiếu đăng ký dự thi, ghi tên trường, ký hiệu trường và khối thi của trường mà thí sinh dự thi (không ghi mã ngành). Ở mục 3 thì ghi tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường không tổ chức thi hoặc hệ cao đẳng của trường đại học mà thí sinh có nguyện vọng học.

Thời gian nộp hồ sơ theo hệ thống của Sở Giáo dục và Đào tạo từ ngày 10-3 đến 10-4-2007. Còn thời hạn nộp hồ sơ tại các trường tổ chức thi từ ngày 11-4 đến 17-4 -2007. Được biết, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi cách đóng lệ phí tuyển sinh. Theo đó, lệ phí tuyển sinh bao gồm các loại được quy định thống nhất theo khung: lệ phí đăng ký dự thi 40 nghìn đồng/bộ; lệ phí dự thi 20 nghìn đồng/thí sinh và lệ phí xét tuyển nguyện vọng 2, 3 là 15 nghìn đồng/ thí sinh.

Kỳ thi tuyển sinh năm nay cũng sẽ diễn ra trong ba đợt như các năm trước. Đợt I (ngày 4 và 5-7) thi đại học khối A và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến ngày 8-7. Đợt II (ngày 9 và 10-7) thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu. Đợt III (ngày 15 và 16-7) thi cao đẳng. Các trường cao đẳng có thi các môn năng khiếu đến hết ngày 22-7.

HÀ THANH MINH