Nạn số đề, vỡ hụi hơn 10 năm trước làm tan cửa, nát nhà của bao gia đình ở một số địa phương trong tỉnh Nghệ An đã được các cơ quan chức năng giải quyết êm thấm. Nhưng ở thị trấn Đô Lương, Nghệ An nỗi đau ấy vẫn bị khoét mãi, cháy âm ỉ trong lòng bà con cô bác... bởi cách giải quyết thiếu minh bạch làm mất lòng tin của cơ quan thi hành án dân sự thị trấn Đô Lương.
Chuyện lạ khó tin ở Đô Lương
Một ngôi nhà chính sách bị đưa ra bán đấu giá, chuyện lạ khó tin lắm. Nhưng lại là sự việc có thật ở huyện Đô Lương. Đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Cảnh Trân, nguyên thiếu tá, phó trung đoàn trưởng, Trung đoàn 672, Binh đoàn 11 (Tổng cục Hậu cần). Một ngôi nhà cấp 4, có diện tích 42m2 được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 672 xây dựng cho ông Trân trước lúc nghỉ hưu tại khối 4, thị trấn Đô Lương theo Nghị quyết 47 (9-5-1986) của Đảng ủy quân sự Trung ương và Chỉ thị 1149 (ngày 16-9-1986) của Bộ Quốc phòng “về việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu”. Ngôi nhà đã được Bộ tư lệnh Binh đoàn 11 cấp giấy chứng nhận do đại tá Trần Xuân Cảnh, Tư lệnh Binh đoàn ký ngày 4-11-2005. Nội dung chứng nhận nêu rõ: Binh đoàn 11 chứng nhận ngôi nhà có diện tích 42m2 ở địa chỉ trên là nhà riêng của đồng chí Nguyễn Cảnh Trân thuộc diện chính sách quân đội”. Trong công văn số 200/CS ngày 22-3-2006 của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị gửi Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, do Thiếu tướng Vũ Hữu Luận, Cục trưởng ký, cũng khẳng định: “Ngôi nhà này là nhà do quân đội thực hiện chính sách đối với đồng chí Nguyễn Cảnh Trân...”. Nhưng đến ngày 26-4-2006, Đội Thi hành án huyện Đô Lương đã giao ngôi nhà cho chủ khác là ông Nguyễn Khắc Hải.
Vốn là năm 1995, vợ ông Nguyễn Cảnh Trân là bà Vũ Thị Sáu vỡ nợ (phường hụi) do người khác chiếm dụng bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù giam về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của công dân” với số tiền: 73,727 triệu đồng. Hiện nay, bà Sáu đang thụ án tại Quảng Bình. Để giải quyết thi hành án của bà Vũ Thị Sáu, từ 1998 đến 2003 ngôi nhà của ông Trân đã được Đội Thi hành án đưa ra phát mại 3 lần: (lần 1: 100 triệu đồng; lần 2: 90 triệu đồng, lần 3: 113 triệu đồng) nhưng vẫn không có người mua. Cơ quan Thi hành án phát mại đến lần thứ 4 với giá 77,555 triệu đồng (ngày 25-12-2003). Sau 9 ngày định giá, ngày 4-1-2003 ông Trân đã có đơn xin mua lại tài sản và được ưu tiên mua lại ngôi nhà theo luật định trong thời gian 3 tháng kể từ ngày định giá (tức là đến ngày 25-3-2003 là hết thời hạn ưu tiên thì tài sản mới được đưa bán đấu giá). Trong thời gian lo đi vay mượn cho đủ số tiền thì ngày 8-1-2003 (chỉ sau 13 ngày định giá), cơ quan Thi hành án dân sự Đô Lương đã vội vàng đưa tài sản này ra bán đấu giá và ông Hải là người trúng đấu giá với số tiền 160 triệu đồng. Nhưng do ông Trân khiếu nại, việc đấu giá này đã được cơ quan Thi hành án - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 315 QĐ/THA ngày 21-8-2003 chỉ đạo cơ quan Thi hành án huyện Đô Lương hủy kết quả đấu giá ngày 8-1-2003 để đảm bảo quyền lợi cho ông Trân là chủ sở hữu được mua tài sản theo quy định.
Những việc làm vi phạm chính sách đãi ngộ của Đảng, trái với pháp luật Nhà nước của cơ quan Thi hành án huyện Đô Lương đã rõ như ban ngày thế mà chẳng hiểu sao vẫn chưa xử lý dứt điểm. Những khuất tất này đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân. |
Ông Trân đưa cho chúng tôi xem giấy báo của Đội Thi hành án mời ông lên nộp tiền ngày 25-4-2003 (do ông Trần Minh Sửu chấp hành viên ký tên). Biên bản giải quyết thi hành án ngày 21-4-2003 do ông Trần Minh Sửu ký tên và biên lai đội thi hành án thu tiền nhà của ông Trân nộp: 77,555 triệu đồng do bà Đào Thị Lương, chấp hành viên thu tiền và ký tên ngày 28-4-2003. Ông Trân nói với chúng tôi trong nước mắt: “Gia cảnh khốn khó lắm nhưng đành phải mua lại thôi. Mình không thể đánh mất căn nhà tình nghĩa của anh em đồng đội đã từng gắn bó mấy chục năm trong quân ngũ đã xây dựng cho gia đình mình. Số tiền hơn 77 triệu đồng này cũng là tình cảm của anh em cựu chiến binh cho vay cả, không biết đến bao giờ mới trả hết ơn nghĩa này”. Tìm hiểu chúng tôi được biết cũng nhờ tình cảm của đồng đội mà ông Trân đã hoàn tất số tiền thi hành án cho vợ mình. Ngôi nhà đã trở thành tài sản hợp pháp của gia đình ông Trân. Không ngờ 4 năm sau (26-4-2006), Đội Thi hành án huyện Đô Lương thực hiện Quyết định số 1212/QĐ-TP ngày 1-6-2005 của Bộ Tư pháp lại tiếp tục cưỡng chế, buộc cả gia đình ông Trân 8 người (mẹ ông Trân 90 tuổi cùng các con cháu) phải lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Qua tìm hiểu sự việc chúng tôi được biết: Sau khi kết quả bán đấu giá ngôi nhà bị hủy bỏ, ông Nguyễn Khắc Hải yêu cầu Đội Thi hành án huyện Đô Lương bồi thường thiệt hại (trả tiền gốc 160 triệu đồng và 146 nghìn đồng tiền lãi). Qua nhiều lần thương lượng kéo dài suốt 2 năm nhưng không thỏa thuận được, ông Hải đã khởi kiện lên các cơ quan chức năng cấp trên. Đây là quan hệ dân sự lẽ ra phải được Tòa án giải quyết thì Bộ Tư pháp lại có Quyết định 1212/QĐ-TP giải quyết khiếu nại của ông Hải. Quyết định cho rằng: Ông Trân nộp không đủ tiền mua tài sản. Ông Hải nộp đủ tiền nên Bộ Tư pháp quyết định lấy nhà của ông Trân giao cho ông Hải. Quả là một quyết định khó hiểu trái với luật pháp vì ông Hải chỉ là người mua tài sản chứ không liên quan gì đến việc thi hành án. Việc khiếu nại của ông Hải và Quyết định 1212/QĐ-TP của Bộ Tư pháp đều trái với quy định tại Điểm 1 và 2 Điều 60 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004. Quyết định này đã gây sự bất bình trong dân chúng. Các ông bà: Hoàng Văn Trắc - Bí thư Chi bộ, khối trưởng khối 4, thị trấn Đô Lương, Trần Đình Minh, khối phó; Trần Văn Liên, thanh tra nhân dân thay mặt Ban dân vận khối 4, Ngô Thị Thành, chi hội trưởng chi hội phụ nữ khối 4; Hoàng Ngọc Tuấn, bí thư chi đoàn; Lê Ngọc Chuyên, chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi đại diện cho chi bộ, ban cán sự và các tổ chức quần chúng ở khối 4 đã gửi đến báo Quân đội nhân dân lá đơn kêu cứu với nhan đề: “Đi tìm sự thật...” nhằm giải thoát cho ông Nguyễn Cảnh Trân, một cựu chiến binh đang bị oan ức vì cơ quan Thi hành án huyện Đô Lương cưỡng chế sai pháp luật.
Quyết định 1212/QĐ-TP tại dòng 18 trang 2 ghi rõ: “Mặc dù ông Nguyễn Cảnh Trân nộp đơn xin mua tài sản nhưng lại không nộp đủ tiền mua tài sản theo giá hội đồng định giá”. Kết luận này đã hoàn toàn không đúng với thực tế. Vì ngày 28-4-2003, ông Trân (đồng sở hữu về tài sản) đã nộp đầy đủ tiền mua tài sản tại cơ quan Thi hành án dân sự huyện Đô Lương theo giá Hội đồng đã định là 77.555.000 đồng có hoá đơn thu tiền số 025959 và biên bản giải quyết thi hành án của cơ quan Thi hành án huyện Đô Lương. Trong Mục 3 khoản d của Thông tư 12/2001/TTLT-BTP-VKSNDTC ngày 26-2-2001 quy định: “Trước khi bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, các đồng sở hữu được quyền ưu tiên mua lại tài sản trong thời hạn 3 tháng đối với bất động sản, một tháng đối với động sản theo giá hội đồng định giá đã định. Hết thời hạn ưu tiên mà các đồng sở hữu không mua thì tài sản được bán đấu giá theo thủ tục chung”. Nhưng thực tế chỉ sau 13 ngày định giá, cơ quan thi hành án huyện Đô Lương đã vội vã đưa nhà ông Trân ra bán đấu giá trái. Điều này là hoàn toàn trái với Thông tư số 12/2001. Quyết định 1212/QĐ-TP có ghi rõ: “Thi hành án dân sự huyện Đô Lương bác đơn xin mua tài sản của ông Nguyễn Cảnh Trân...” nói như vậy là hoàn toàn sai lệch với biên bản giải quyết thi hành án ngày 21-4-2003 của cơ quan Thi hành huyện Đô Lương do ông Trần Minh Sửu, chấp hành viên chủ trì giải quyết. Điều 2 của quyết định 1212/QĐ-TP nêu: “Hủy quyết định giải quyết khiếu nại số 315/QĐ-GĐKNTC ngày 21-8-2003 của thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An, giữ nguyên kết quả bán đấu giá ngày 8-1-2003 của thi hành án dân sự huyện Đô Lương”. Điều này cũng là trái với quy định của Thông tư số 12/2001 do chính Bộ Tư pháp tham mưu và chủ trì ban hành.
8 sổ tiết kiệm với 629,7 triệu đồng thi hành án đứng tên chấp hành viên
Tiếp tục với cách thi hành án lạ kỳ như vậy trong khi kê biên, định giá ngôi nhà 3 tầng của gia đình bà Thăng ở khối 7 (bà Lê Thị Thăng vỡ hụi năm 1994-1995), Đội Thi hành án huyện Đô Lương đã tước luôn những tài sản và những công cụ kiếm sống không được kê biên, gồm: một bộ sa lông, một máy ép mía, một máy làm kem... Ông Nguyễn Mạnh Cường, ở khối 4 (có vợ là bà Nguyễn Thị Tuyết cũng vỡ hụi năm 1995) tố cáo: 2 ngôi nhà của gia đình ông đã bị kê biên, trong đó có một ngôi nhà trên diện tích 99m2 là tài sản chung của hai vợ chồng cũng bị kê biên định giá để thi hành án. Trong quá trình thực hiện, Đội Thi hành án huyện Đô Lương đã không triệu tập, không thông báo cho ông Cường, để ông thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của luật pháp. Sau hai lần định giá (năm 1998 và 1999) nhà bà Thăng từ giá khởi điểm 176,5 triệu đồng được hạ xuống 160 triệu đồng. Đến tháng 3-2001, vin vào lý do không có người mua, chấp hành án tự ý tổ chức bán nhà cho những người được thi hành án bằng biện pháp “bỏ phiếu kín” và đã bán cho ông Nguyễn Quốc Sơn với giá 143,8 triệu đồng (thấp hơn giá sàn 14 triệu đồng). Việc hạ giá sàn và kéo dài thời gian bán đấu giá (hơn 22 tháng) là vi phạm pháp luật và nguyên tắc bán đấu giá tài sản. Ngôi nhà và đất ở của bà Tuyết bị vỡ hụi cũng vậy. Từ thời gian định giá đến bán đấu giá cũng kéo dài 12 tháng. Nhưng điều lạ là ngôi nhà nằm trên diện tích 99 m2 đã được cơ quan Thi hành án huyện Đô Lương kê biên thành 126 m2 để định giá thêm 48,6 triệu đồng. Vụ bán nhà bà Đào Thị Huệ cũng kéo dài tới 2 năm rưỡi mới bán đấu giá cho bà Đỗ Thị Vinh. Theo kết luận số 73/KS-TH của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An với tổng cộng 629,4 triệu đồng qua thực hiện thi hành án, trong đó có 526,7 triệu đồng thu được từ 4 vụ đấu giá (nhà bà Sáu - vợ ông Trân, bà Thăng, bà Tuyết, bà Huệ) đã bị một số người thi hành án huyện Đô Lương gửi vào ngân hàng thông qua 8 sổ tiết kiệm đứng tên chấp hành viên Đào Thị Lương. Hiện bà Lương đã được điều lên làm cán bộ tổ chức thi hành án tỉnh.
Những việc làm vi phạm chính sách đãi ngộ của Đảng, trái với pháp luật Nhà nước của cơ quan Thi hành án huyện Đô Lương đã rõ như ban ngày thế mà chẳng hiểu sao vẫn chưa xử lý dứt điểm. Những khuất tất này đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Dư luận mong rằng, Tỉnh ủy – UBND và các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An khẩn trương có các biện pháp quyết liệt để làm nguôi đi nỗi đau đang âm ỉ cháy này.
Thuận Thắng-Kim Ngọc