Thời gian qua, số lượng xe KDVT tăng lên nhanh chóng, nhất là xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (còn gọi là taxi công nghệ). Điều này đòi hỏi cần thêm các giải pháp để quản lý phương tiện này, tăng cường dấu hiệu nhận biết, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng.

Xe kinh doanh vận tải cần dễ nhận biết

Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, việc quản lý phương tiện KDVT, nhất là xe taxi và loại hình tương tự được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là các quy định để dễ dàng nhận biết phương tiện trong quá trình lưu thông. Tại các nước, như Hàn Quốc, Singapore, xe KDVT được quy định màu biển số riêng, xe taxi và xe tương tự phải gắn hộp đèn, phù hiệu và được đăng kiểm riêng. Thực tế, tại Việt Nam, những quy định của pháp luật liên quan đến xe KDVT đã hướng đến xây dựng các dấu hiệu nhận biết. Như với xe taxi, có hộp đèn treo phía trên, logo trên thân xe, phù hiệu dán ở vị trí trước kính lái. Ngoài ra, lái xe có đồng phục với màu sắc đặc trưng của từng hãng taxi.

Xe taxi và các loại hình kinh doanh vận tải tương tự cần quy định rõ các dấu hiệu nhận biết để tăng cường quản lý.

Sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép thí điểm đối với xe hợp đồng điện tử từ năm 2016, đã xuất hiện một loại hình phương tiện KDVT mới. Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, về bản chất, có thể thấy, xe hợp đồng điện tử hoạt động như xe taxi, sử dụng phương tiện ô tô dưới 9 chỗ, đón trả khách chủ yếu trong nội đô các thành phố lớn. Sau gần 4 năm thí điểm, số lượng phương tiện hoạt động theo hình thức xe hợp đồng điện tử tăng lên nhanh chóng, vượt nhiều lần so với số lượng taxi. Tuy nhiên, việc nhận diện xe hợp đồng điện tử còn khá khó khăn do quy định chưa chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Gần như không có dấu hiệu gì để nhận biết xe hợp đồng điện tử bởi phù hiệu rất nhỏ, đặt ở vị trí khuất, khó quan sát, nhất là khi xe đang lưu thông. Điều này đặt ra không ít thách thức cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý phương tiện.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hùng, một trong những giải pháp cần thiết để tăng cường nhận diện xe KDVT là quy định biển kiểm soát có màu sắc riêng. "Một số nước ở quanh chúng ta, như Lào, Campuchia, Thái Lan đã áp dụng màu biển kiểm soát riêng cho xe KDVT. Nếu áp dụng giải pháp này có thể nhận diện rõ xe KDVT và xe cá nhân để từ đó tăng cường áp dụng công nghệ như sử dụng camera phân luồng phương tiện từ xa. Tiến tới có thể quy định tốc độ tối đa, làn đường cho từng loại xe, giúp giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn trên đường", ông Nguyễn Công Hùng bày tỏ. Quy định này đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, dự kiến sẽ đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Giao thông đường bộ.

Đề xuất gắn phù hiệu phản quang cho taxi công nghệ

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô (sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP). So với bản dự thảo trước, lần này, Bộ GTVT đã bỏ quy định xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe. Thay vào đó, xe hợp đồng (bao gồm cả xe hợp đồng điện tử) phải dán cố định cụm từ “Xe hợp đồng” trên kính phía trước và kính phía sau xe. Phù hiệu xe hợp đồng phải được làm bằng vật liệu phản quang. Theo Bộ GTVT, việc bổ sung quy định về phù hiệu đối với xe hợp đồng nhằm mục đích bảo đảm nhận diện phương tiện xe KDVT loại hình này.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định sở GTVT các địa phương thực hiện cấp phù hiệu, biển hiệu và dán phù hiệu, biển hiệu lên xe ô tô. Bộ GTVT cho rằng, hiện nay, khi sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu cho đơn vị vận tải nhưng sau đó đơn vị vận tải không thực hiện việc dán phù hiệu, biển hiệu lên xe ô tô KDVT. Đặc biệt, các xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ KDVT hành khách theo hợp đồng hầu như không thực hiện, do đó dẫn đến tình trạng xe "tàng hình", gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tổ chức phân luồng giao thông tại các đô thị.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Việc quy định gắn phù hiệu cho xe hợp đồng sẽ giúp lực lượng chức năng dễ nhận diện hơn để tăng cường kiểm soát. Bên cạnh đó, quy định của dự thảo giao cho sở GTVT gắn phù hiệu sẽ khắc phục được tình trạng lái xe có thể chấp hành hoặc không. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, gắn phù hiệu chưa phải là phương án tối ưu để bảo đảm nhận diện phương tiện KDVT hiệu quả. Cần có thêm phương án bổ sung dấu hiệu nhận biết cũng như quản lý tốt hơn các xe KDVT. Bộ GTVT nhìn nhận, thực tế hiện nay xe ô tô dưới 9 chỗ KDVT khách sử dụng hợp đồng điện tử có hình thức hoạt động tương đồng với xe taxi. Do đó về lâu dài cần có quy định tương tự nhau để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa xe hợp đồng điện tử so với xe taxi.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG