Phải giải ngân đạt 95% vốn đầu tư công

Tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2020, TP Hồ Chí Minh tăng trưởng chỉ ở mức 1,02%, ảnh hưởng lớn đến mức tăng trưởng chung của cả nước vì thành phố chiếm tỷ lệ GDP cao nhất nước. Nhằm đẩy nhanh đà phục hồi sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, duy trì trạng thái bình thường mới, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2020, thành phố đã giao và phân bổ nguồn vốn đầu tư công hơn 41.691 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7-2020, thành phố giải ngân đạt 18.836 tỷ đồng (đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao). Thành phố xác định mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020, phấn đấu đến tháng 10-2020 đạt 80% kế hoạch vốn, giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: Với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm KT-XH của cả nước, thành phố xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi lẽ nếu TP Hồ Chí Minh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Các dự án hạ tầng, giao thông được UBND TP Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Thời gian tới, thành phố đề ra một số giải pháp giải ngân như: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn các dự án trọng điểm, thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc, phân bổ, điều chuyển nguồn vốn sang dự án đủ điều kiện...

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm

Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư công thì các dự án giao thông, công trình trọng điểm chiếm tỷ lệ nguồn vốn lớn. Thành phố đã xác định tập trung cho lĩnh vực này để tạo đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công với các giải pháp cụ thể: Triển khai khởi công, đẩy nhanh thi công, hoàn thành các dự án chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức cho các chuyên gia nước ngoài trở lại làm việc tại các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian, thủ tục về thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, thanh quyết toán...

Ông Đỗ Nhật Thiện, Phó trưởng ban quản lý dự án Đường bộ 3, Sở Giao thông vận tải cho biết: Đơn vị đang thi công dự án cầu An Phú Đông nối quận Gò Vấp và quận 12 với nguồn vốn đầu tư công hơn 80 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, đơn vị đã tổ chức tăng ca cho các kíp kỹ sư, công nhân, bảo đảm thi công 3 ca trong một ngày, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án vào tháng 9-2020. Công trình cũng hướng đến chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI.

Dự án xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 thuộc dự án nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) cũng đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, triển khai 3 ca trong ngày, phấn đấu đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành. Ông Lê Xuân Bắc, Phó trưởng ban điều hành dự án Đường bộ 2 cho biết thêm: Đơn vị phát động phong trào thi đua sôi nổi với mục tiêu vừa bảo đảm thực hiện dự án an toàn trong PCD Covid-19, vừa tăng cường lực lượng, phương tiện thi công trên công trường, đồng bộ hoàn tất các thủ tục thanh, quyết toán, giải ngân cho các giai đoạn thi công. Nhờ đó, tiến độ của dự án đảm bảo hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.  

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 100 công trình, dự án lớn nhỏ sử dụng nguồn vốn đầu tư công đang triển khai. Trong đó có hơn 30 công trình dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2020. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, ban quản lý tập trung ưu tiên đẩy nhanh các dự án, công trình không bị vướng mặt bằng, hoàn tất các thủ tục, thanh quyết toán để giải ngân theo tiến độ, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương nơi có dự án, công trình để giải tỏa các vướng mắc, tồn tại để triển khai thi công càng sớm càng tốt. Những nỗ lực này vừa giúp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn, vừa sớm đưa công trình vào phục vụ hoạt động đi lại của người dân, phát triển KT-XH... Hiện nay, các công trình, dự án đã giải ngân 61% nguồn vốn được giao và phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ giải ngân đạt 98% theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 31-12-2019 trong đó yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu theo hướng đổi mới phương thức, ứng dụng công nghệ thông tin trong bố trí kế hoạch vốn, theo dõi tiến độ, giải ngân... Chỉ thị này cũng nhấn mạnh, trong điều kiện đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thành phố xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020, là nhân tố quan trọng giúp phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới bằng việc triển khai các giải pháp như: Tổ chức giao ban định kỳ 2 tuần/lần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu tư công; hằng tháng kiểm tra tiến độ thực địa các dự án, tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường; ban hành Quy trình quản lý kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm với 4 bước: Đăng ký vốn, bố trí kế hoạch vốn, giải ngân vốn và quyết toán vốn nhằm quản lý chặt chẽ từng công đoạn.

“UBND thành phố sẽ đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện và chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án; điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao, hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.”-đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại buổi làm việc của đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì mới đây tại TP Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: ĐẶNG BẢO MINH