Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao là 12.505 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương hơn 8.805 tỉ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 3.699 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 30,1% kế hoạch vốn chi tiết được giao, thấp hơn so với cùng kỳ và so với mục tiêu của tỉnh đặt ra. Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh một số tồn tại cụ thể như: 37 dự án đầu tư công trên toàn tỉnh còn chưa có quyết định đầu tư; nhiều dự án còn vướng mắc trong quá trình triển khai; 934 dự án vẫn chưa xong hồ sơ quyết toán, nên vẫn chưa thể giải ngân được.

leftcenterrightdel
Dự án đường Vạn Thiện (huyện Nông Cống) đi Bến En (huyện Như Thanh) đang chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc 

Ngày 23-5, tại kỳ họp thường kỳ tháng 5 của UBND tỉnh Thanh Hóa, một trong những hạn chế được nêu ra đó là: Công tác giải phóng mặt bằng, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương, đơn vị còn chậm... UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê bình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa; các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Mường Lát, Thường Xuân, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, mới đạt 0,1 đến 5,5% kế hoạch vốn giao chi tiết; các huyện Lang Chánh, Như Thanh, Mường Lát, Quan Hóa, thị xã Bỉm Sơn có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt từ 0,3 đến 13% kế hoạch. Đặc biệt, huyện Hậu Lộc tính đến trung tuần tháng 4 năm 2023 chưa giải phóng được diện tích mặt bằng nào.

leftcenterrightdel
 Các dự án đường giao thông trên địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang chậm tiến độ do thiếu vốn. 

Việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp có nguyên nhân khách quan như: Khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư do liên quan đến đơn giá đền bù, việc xác định nguồn gốc đất, chưa có hạ tầng tái định cư và một số khó khăn trong quy trình triển khai dự án... Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu quyết tâm và chưa sâu sát trong tổ chức thực hiện các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm, tính sẵn sàng còn yếu kém.

Lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng tổ công tác

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các các chủ đầu tư, các đơn vị được giao đầu mối theo dõi dự án chủ động rà soát, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án do đơn vị, địa phương quản lý và tuân thủ nghiêm kế hoạch các mốc thời gian. Các đơn vị cần khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, dự toán chuẩn bị, quyết định đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định; không để xảy ra tình trạng vốn chờ dự án, thủ tục đầu tư. Đồng thời, phải lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, hình thức hợp đồng thi công đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói. Các địa phương rà soát danh mục các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của cấp huyện quản lý; trường hợp các dự án chưa được bố trí đủ vốn trong giai đoạn 2021-2025 thì khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí đủ nhu cầu vốn do cấp huyện quản lý từ số vốn chưa phân bổ chi tiết (nếu có) hoặc từ nguồn rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Đối với các dự án khởi công mới chưa được quyết định chủ trương đầu tư, trên cơ sở khả năng cân đối vốn và quy định của pháp luật, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, để đảm bảo đủ điều kiện bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuyệt đối không trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của cấp huyện quản lý khi dự án khởi công mới chưa được quyết định chủ trương đầu tư.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 (Thứ 3 từ trái qua) kiểm tra các dự án  tại huyện Hà Trung. 

Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 5 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, để trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổ trưởng Tổ công tác số 2, cho biết: “Việc thành lập 5 tổ công tác sẽ giúp địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định. Bên cạnh đó các tổ công tác cũng sẽ tham mưu việc thực hiện tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn theo đúng quy định ngay sau khi có khối lượng; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân của từng dự án”.

Năm 2023 tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ hoàn thành nhiệm vụ dựa trên kết quả giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị, địa phương mình quản lý, gắn với việc xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá trục lợi... trong lĩnh vực này.

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH