Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã đạt tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Thái Nguyên đạt 38%, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ (đến năm 2020 đạt 30%). Tính đến tháng 11-2020, Thái Nguyên có 1.725 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến cho người dân, tổ chức tăng khoảng 11,7 lần so với năm 2010 (từ 0,033% lên 38,61%). Đây là một trong những kết quả đạt được từ công tác CCTTHC của tỉnh Thái Nguyên. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh được đánh giá có những cải thiện vượt bậc. Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 14 trong cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính, tăng 40 bậc so với năm 2016. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định, CCTTHC là một trong những khâu đột phá trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Triển khai nghị quyết, UBND tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời xây dựng, ban hành Đề án Cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 nhằm nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động này với tổng nguồn kinh phí đã chi trong giai đoạn 2015-2020 là hơn 300 tỷ đồng).

Hàng năm, UBND tỉnh Thái Nguyên đều xây dựng kế hoạch thực hiện CCTTHC và xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra; triển khai thực hiện chỉ số đánh giá CCTTHC các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, nhất là việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý văn bản đi, đến qua hệ thống văn bản điện tử của tỉnh có hiệu quả rất rõ rệt... Tỉnh Thái Nguyên xác định CCTTHC là một trong những khâu đột phá góp phần quan trọng, từ đó chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh tập trung rà soát, đơn giản hóa các TTHC theo hướng tinh gọn, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông giải quyết TTHC tiếp tục được thực hiện có nền nếp, chất lượng trong toàn tỉnh. Trách nhiệm của người đứng đầu; của đội ngũ cán bộ, công chức tại các đơn vị, địa phương được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu thời gian đi lại cho tổ chức và cá nhân, từng bước tạo được sự hài lòng của người dân.

Công an tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.

Bộ máy các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Thái Nguyên được hoàn thiện, sắp xếp ngày càng tinh gọn, tránh chồng chéo, thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả. Đến hết quý III-2020, tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 100 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 7 phòng thuộc sở, 2 chi cục thuộc sở, 8 phòng thuộc chi cục, giảm được 696 xóm, tổ dân phố, giảm 2 xã và giảm được 2.055 biên chế. Cùng với đó, tỉnh không ngừng đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm chi công và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động... Đánh giá về công tác CCTTHC, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ, trong 10 năm qua, công tác CCTTHC của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh; quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những điểm khác biệt của tỉnh tới các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, còn một số vấn đề do nguyên nhân chủ quan cần từng bước giải quyết trong thời gian tới như: Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC; đầu tư con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị để vận hành bộ máy hành chính các cấp theo xu thế số hóa; việc tham mưu của cơ quan chuyên môn 3 cấp trong tỉnh cần tăng tốc độ, sáng tạo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật... Có thể khẳng định, các nhiệm vụ lớn trong công tác CCTTHC của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020 đã đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Các chỉ số liên quan đến công tác CCTTHC của Thái Nguyên liên tục được cải thiện về thứ hạng, vươn lên nhóm đầu của các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh triển khai thực hiện công tác CCTTHC ở mức độ cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.

BẢO LINH