Thành lập các cứ điểm đón “đại bàng”

Năm 2023 là năm Thái Bình chứng kiến làn sóng thu hút đầu tư chưa từng có trong lịch sử. Thu hút FDI của tỉnh đạt hơn 2,9 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022. Thái Bình cùng TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang là 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Đáng chú ý, thu hút đầu tư tại Thái Bình đã chuyển dần từ "lượng" sang "chất", nghĩa là chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, giám sát môi trường các dự án thu hút đầu tư. Thực tế những dự án thu hút mới và tăng vốn đầu tư thời gian qua đều là những lĩnh vực Thái Bình đang khuyến khích đầu tư, như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, cơ khí, phụ trợ...

leftcenterrightdel

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư vào địa bàn. 

Điển hình là dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 212 triệu USD; dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng cho Công ty Pegavision Corporation với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất đồ uống của nhà đầu tư Hàn Quốc tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án đầu tư sản xuất các cổng chuyển đổi, thiết bị kết nối, thiết bị vi tính với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD của Công ty TNHH Goodway Cayman; dự án nhà máy tập trung sản xuất, gia công đèn LED các loại và linh kiện của đèn LED với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD của Công ty TNHH Longstar Lighting Hạ Môn... Đặc biệt, năm 2023, Thái Bình ghi dấu với dự án Nhà máy Điện khí LNG với tổng vốn đầu tư 1,99 tỷ USD cho liên danh Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden (Nhật Bản) và Tập đoàn Trường Thành (Việt Nam). Dự án này có ý nghĩa quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2023 nói riêng, những năm gần đây nói chung, Thái Bình trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, là địa chỉ tin cậy được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện dự án trên địa bàn. Lý giải sức hút của Thái Bình đối với các nhà đầu tư lớn, ông Phạm Đức Thành, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình cho biết, mấu chốt quan trọng chính là sự đồng hành, lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp, với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh. Doanh nghiệp đến với tỉnh Thái Bình sẽ luôn được tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình từ nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án. Với những vướng mắc mới phát sinh, hằng tuần, thông qua chương trình "Cà phê doanh nhân", lãnh đạo UBND tỉnh sẽ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp. Thêm vào đó, Thái Bình có lợi thế về vị trí địa lý và hệ thống giao thông hiện đại đang từng bước hoàn thiện, kết nối với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Đặc biệt, Thái Bình đang dồn lực "dọn tổ đón đại bàng", chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực..., hình thành các "cứ điểm" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có thể thấy, Thái Bình đang có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, với 10 khu công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố có tổng diện tích gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nổi bật và hấp dẫn là Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có diện tích 30.583ha với 22 khu công nghiệp có diện tích 8.020ha đất công nghiệp; có vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km...

Chuẩn bị các điều kiện sàng lọc nguồn vốn chất lượng cao

Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững, tỉnh Thái Bình tiếp tục định hướng mời gọi thu hút các dự án có quy mô lớn, giá trị công nghệ cao, bảo đảm môi trường và an sinh xã hội tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, khẳng định: Đầu tư giao thông kết nối, chuẩn bị các khu công nghiệp với hạ tầng hoàn thiện, chính sách ưu đãi... là những nỗ lực Thái Bình đang làm để có điều kiện thu hút, sàng lọc nguồn vốn đầu tư FDI. Đáng chú ý, mặc dù tạo ra hệ sinh thái hấp dẫn để thu hút đầu tư, song Thái Bình không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến mà chủ động xúc tiến quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài.

Để tạo lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút dòng vốn ngoại chất lượng cao, tỉnh Thái Bình xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới. Tỉnh cũng tập trung tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chủ động nghiên cứu những quy định của pháp luật, các hiệp định quốc tế, đồng thời nắm vững chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Phát huy tối đa vai trò hỗ trợ doanh nghiệp qua ứng dụng zalo “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp”; đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp khẩn trương hoàn thiện hạ tầng, đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung để tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư thứ cấp; xác định các mức giá thuê lại hạ tầng và giá các dịch vụ hợp lý để bảo đảm tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư...

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.