Tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19

Trong tháng 3-2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Theo nội dung của văn bản này, thời gian qua, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hải Phòng... đã tác động tiêu cực đến đời sống, xã hội và kinh tế đất nước, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ, khắc phục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN Việt Nam yêu cầu các TCTD chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống chủ động xây dựng phương án, bảo đảm cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. 

Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Mặt khác, tăng cường thông tin, tuyên truyền, triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tăng cường các hoạt động trực tuyến, tạo điều kiện để khách hàng không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn những giải pháp của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ động xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của các TCTD. 

Đa dạng hình thức vay vốn

 Nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giảm bớt khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng (từ ngày 22-2-2021 đến 22-5-2021). Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch. Giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay: Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 350.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% dư nợ của Vietcombank. Với những biện pháp kịp thời, đồng bộ và quyết liệt, phù hợp với diễn biến mới của dịch Covid-19, Vietcombank mong muốn chia sẻ khó khăn với khách hàng, góp phần ổn định kinh tế-xã hội đất nước, chung tay cùng cộng đồng vượt qua đại dịch Covid-19.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức cho ra mắt sản phẩm cấp vốn tín chấp trực tuyến đầu tiên trên thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tiếp cận nguồn vốn kinh doanh một cách thuận tiện với thời gian chỉ vài tiếng đồng hồ. Đây là sản phẩm có tính đột phá của VPBank cả về quy trình thủ tục lẫn thời gian phê duyệt bởi theo quy trình thông thường, doanh nghiệp phải ra quầy giao dịch nộp hồ sơ và có thể mất từ 1 tuần đến 1 tháng mới được giải ngân. Hạn mức vay vốn lên tới 500 triệu đồng sẽ giúp DNVVN tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực. Đại diện VPBank cho biết, sản phẩm cấp vốn tín chấp trực tuyến là bước phát triển mới của ngân hàng, góp phần hoàn thiện trải nghiệm số hóa cho khách hàng DNVVN. Bên cạnh đó, VPBank cũng đang chuẩn bị cho ra mắt dịch vụ giải ngân trực tuyến các khoản vay vào thời gian tới, hứa hẹn sẽ tiếp tục rút gọn tối đa quy trình thủ tục, tiết kiệm thời gian, công sức, giúp DNVVN nhận vốn nhanh chóng.

Tiếp tục đồng hành với DNVVN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho DNVVN kinh doanh xuất, nhập khẩu. Cụ thể, từ ngày 24-2-2021 đến hết ngày 30-9-2021, khi tham gia gói tín dụng của BIDV, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi theo từng mức kỳ hạn. Trước đó, từ ngày 1-1-2021, BIDV đã triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung hạn, dài hạn ưu đãi dành cho khách hàng DNVVN với quy mô lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. 

Kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng

Theo các chuyên gia kinh tế, để tăng trưởng tín dụng hiệu quả thì cần đẩy mạnh kích cầu bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp, thậm chí nhiều ngân hàng còn cắt giảm thêm lãi suất, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng bởi sức cầu vẫn yếu do diễn biến dịch trong vài tháng qua còn phức tạp. Trên thực tế, chỉ một số ngành được hưởng lợi từ dịch Covid-19, còn lại đa phần doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Vì thế, kích thích tăng trưởng tín dụng không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà còn liên quan tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trò chuyện với phóng viên, bà Trịnh Thị Thúy Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Phát triển thương mại Thái Dương cho biết: “Doanh nghiệp của tôi đã vay vốn tín chấp của ngân hàng từ năm 2018 và luôn có lịch sử trả nợ đúng hạn. Bước sang năm 2021, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vay vốn nhưng do tác động từ dịch bệnh nên nguồn thu bị ảnh hưởng, dẫn tới hiện tại chưa đạt các tiêu chí để tái cấp tín dụng của ngân hàng. Chúng tôi mong muốn ngân hàng có thể xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh”. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa có phương án linh hoạt trong chuyển đổi hoạt động kinh doanh hiệu quả sau dịch dẫn tới các TCTD cũng gặp khó khăn trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới. Nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực chịu tác động của dịch bệnh như: Ăn uống, dịch vụ, du lịch... Về quy trình nghiệp vụ cho vay vốn, các TCTD sẽ phải thẩm định kỹ hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài sản bảo đảm, hồ sơ tài chính, hiệu quả dự án để tránh những rủi ro, nợ xấu trong tương lai. 

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính-ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Để việc cho vay có chất lượng và bền vững, không bị vướng vào nợ xấu thì các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng chứ không phải chỉ quá tập trung dựa vào tài sản thế chấp. Nhà băng cần xem xét tiêu chí cho các khách hàng vay vốn dựa trên khả năng trả nợ từ nguồn thu nhập, nguồn trả lương, nguồn kinh doanh, lịch sử trả nợ tín dụng tốt để cho vay đúng người, đúng địa chỉ. Bên cạnh đó, người đi vay phải chuẩn bị kế hoạch đi vay, sử dụng đồng vốn có hiệu quả để bảo đảm khả năng trả nợ của mình. Người đi vay và bên cho vay phải rất thận trọng trong hoạt động vay vốn để không những đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được nâng cao qua việc cả hai phía đều hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT