QĐND - Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thống nhất dùng bài thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy. Trong kỳ thi đợt 1 vừa qua, tỷ lệ thí sinh (TS) đến dự thi cao, mỗi người làm một bài thi duy nhất trên máy tính, biết điểm ngay khi giờ thi kết thúc, không có tình trạng sử dụng “phao thi”, tỷ lệ phân hóa TS cao... đó là những ưu điểm được dư luận xã hội đánh giá về hình thức thi mới này.
Những tín hiệu đáng mừng
Có mặt trong những ngày diễn ra kỳ thi đợt 1 (từ ngày 30-5 tới ngày 2-6) của ĐHQGHN vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đa số TS sau khi thi đều cảm thấy thoải mái, tự tin. Thí sinh Đặng Thị Oanh, THPT Vân Cốc, Phúc Thọ, Hà Nội, tỏ rõ sự phấn khởi: “Mặc dù phải làm bài thi trên máy tính, khác hẳn so với phương thức thi truyền thống, nhưng do đã làm bài thi thử trước đó nên em không gặp trở ngại gì. Theo em, các câu hỏi trong đề thi không quá khó, lại chuyển tiếp liên tục giữa các môn nên TS “học tủ, học lệch” không có cơ hội đạt điểm cao. Cùng với cách ra đề thi có quy định thời gian cho từng phần cụ thể, buộc TS phải có cách tư duy nhanh hơn, biết phân phối thời gian làm từng câu. Nếu hết thời gian quy định mà TS chưa làm xong, máy tính sẽ chuyển qua phần thi khác".
 |
Thí sinh phấn khởi khi rời phòng thi tại ĐHQGHN.
|
 |
Thí sinh làm bài thi trên máy tính thay vì phương thức thi truyền thống. Ảnh: Quốc Toản
|
Từ Thái Bình đưa con đi thi tại điểm thi ĐHQGHN, ông Hoàng Văn Sơn nhận xét: "Năm nay thi cử có nhiều đổi mới, phụ huynh tuy cũng lo lắng nhưng đợt thi thứ nhất này cứ coi là lần thử sức. Do chỉ thi một buổi, mỗi TS một đề thi, lại biết điểm ngay, nên đã tiết kiệm cho gia đình chi phí trong việc đi lại, ăn, nghỉ...".
Kết thúc đợt thi, PGS, TS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐHQGHN, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQGHN, cho biết: ĐHQGHN là đơn vị mở màn cho kỳ thi xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015. Đợt thi đầu tiên cho thấy xã hội hưởng ứng rất cao hình thức thi này, với 43.369/45.350 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ hơn 95%. Đáng chú ý, thí sinh đạt điểm cao nhất là 128/140; 3 thí sinh đạt 126 điểm và 47 thí sinh đạt 125 điểm. Đặc biệt, có 70,2% TS đạt điểm 70 trở lên (đủ điều kiện để đăng ký dự tuyển vào ĐHQGHN). Số chuyển ca thi rất ít với 119 TS, trong đó số TS thao tác nhầm lẫn chiếm số lượng nhỏ. Điều đó cho thấy, những việc TS thao tác nhầm dẫn tới chuyển ca không phải do công nghệ thông tin. “Điểm đáng mừng nhất của đợt thi vừa qua là phần mềm đã hoạt động tốt, thi xong là kết quả có ngay, đánh giá chính xác năng lực của từng TS, tiết kiệm lớn cho xã hội về việc đi lại, ăn ở. Tỷ lệ 2/3 tổng số TS đạt được điểm trung bình trở lên cho thấy khả năng phân loại TS của bộ đề là hợp lý” - PGS, TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Tiên phong trong công tác tuyển sinh
Kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các trường thành viên của ĐHQGHN là nhiệm vụ của ĐHQGHN trong việc đổi mới tuyển sinh theo đúng tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đại học. Kỳ thi này là một phần trong lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh nói riêng, đổi mới giáo dục-đào tạo nói chung theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo.
Thông tin về hình thức thi mới này, PGS, TS Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: Kỳ thi đánh giá năng lực là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Phương thức tuyển sinh này đã được ĐHQGHN thí điểm. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Mục tiêu của đề thi là đánh giá năng lực một cách toàn diện, trong đó có các kiến thức, tư duy định lượng, định tính (khối kiến thức Toán và Ngữ văn). Đặc biệt nhấn mạnh khả năng tư duy logic, tính toán, tư duy hình tượng, cảm xúc, khả năng phân tích kiến thức tổng hợp...
Nhận xét về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: “Kỳ thi này thực sự là đổi mới và phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay. Bản thân tôi không hề lo lắng về tính công bằng của các đề thi bởi nó xây dựng trên cơ sở khoa học kiểm tra đánh giá tiên tiến. Hình thức thi này khắc phục được tình trạng "phao thi", minh bạch trong điểm thi, giảm áp lực thi cử cho thí sinh và xã hội. Đề thi có cả câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tránh tình trạng học lệch và dạy thêm, học thêm tràn lan. Ngoài ra, kỳ thi tuyển của trường lại được tổ chức vào thời điểm TS chưa thi tốt nghiệp THPT nên không bị áp lực nhiều; đồng thời giúp các em cơ hội cọ xát, trải nghiệm với sự thay đổi phương thức thi mà nhiều trường sẽ áp dụng sau này. Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học khác cần nghiên cứu và áp dụng rộng rãi hình thức thi này".
Cũng có chung nhận xét tích cực về đợt thi vừa qua, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết: Trường có khá đông học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN. Các em rất thích hình thức thi này, điểm thi thấp nhất đợt vừa qua là 74 điểm, cao nhất là 94 điểm. Đề thi rất bao quát, công khai và công bằng, lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào đề thi đại học. Với đề thi, cách thi này, các nhà trường phải có định hướng, ngoài dạy kiến thức phải dạy thêm kỹ năng sống, lối sống, đạo đức… Đây là xu hướng của cả thế giới chứ không phải chỉ Việt Nam.
Đánh giá cao tính nhanh nhạy, chính xác của bài thi nhưng nhiều ý kiến băn khoăn: Liệu với cách ra đề như trên thì tính ngang bằng giữa các đề thi có được bảo đảm? Lý giải vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Đề thi là một trong những vấn đề đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay, để tạo ra nguồn bộ đề đủ lớn. Các câu hỏi đã qua quá trình phản biện, sàng lọc và chúng tôi đã có những chuyên gia về đo lường đánh giá trong giáo dục. Tôi tin rằng bộ đề đã bảo đảm được tính khách quan, công bằng, tương đương về độ khó giữa các đề thi, ca thi, đợt thi”.
PGS, TS Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, kỳ thi đánh giá năng lực là bước đi căn bản đầu tiên và khá quan trọng trong việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, để toàn diện hơn, ĐHQGHN cần có những điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn ở tất cả khâu từ phần mềm đến quy chế tuyển sinh, quy trình thao tác và bộ đề, ma trận đề. Hiện nội dung bộ đề chủ yếu ở chương trình THPT, nhiều nhất ở lớp 12. Có thể những năm sau, kiến thức thực tế từ cuộc sống sẽ được đưa vào bộ đề.
Được biết, mùa tuyển sinh năm 2015 này, tất cả TS có nguyện vọng theo học các trường thành viên của ĐHQGHN (trừ TS được tuyển thẳng, xét tuyển thẳng) đều phải tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Những TS có nguyện vọng xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) phải làm thêm bài thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ trước khi làm bài thi đánh giá năng lực. Chậm nhất là ngày hôm nay (6-6), toàn bộ kết quả thi của các thí sinh sẽ được công bố trên website của ĐHQGHN. Kết quả thi của TS sẽ được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHQGHN, hoặc các đại học, cao đẳng khác nếu những trường này sử dụng kết quả đợt thi để xét tuyển. Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ 2014 trở về trước, được coi là đã trúng tuyển nếu đạt điểm chuẩn yêu cầu đầu vào của các ngành đào tạo. Thí sinh đạt chuẩn đầu vào nhưng chưa tốt nghiệp thì phải đợi tốt nghiệp THPT mới chính thức trúng tuyển.
Đề thi đợt 1 do ĐHQGHN tổ chức có 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút, tổng điểm toàn bài là 140 điểm. Đề thi bao gồm 2 phần. Phần 1 là phần bắt buộc (gồm tư duy định lượng với kiến thức Toán, tư duy định tính với kiến thức Ngữ văn). Phần 2 là tự chọn. Thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung, kiến thức khoa học tự nhiên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học; kiến thức khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt: Đợt 1 (từ ngày 30-5 tới ngày 2-6) và đợt 2 (từ ngày 1 đến ngày 4-8).
(Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội)
|
VŨ DUNG