Là hình thức thu phí mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, dịch vụ này giúp giảm thời gian phương tiện đi qua trạm, hạn chế ùn tắc giao thông, tăng tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, để hướng đến hình thành thói quen sử dụng ETC, cần tăng thêm tiện ích, khắc phục vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình vận hành hệ thống.
Thí điểm tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng
Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dự kiến sẽ là tuyến cao tốc đầu tiên thí điểm áp dụng hoàn toàn thu phí tự động không dừng đối với tất cả xe lưu thông trên tuyến. Khảo sát trên tuyến đường này, theo ghi nhận của chúng tôi, tại điểm dán thẻ và cung cấp dịch vụ ETC, nhiều chủ phương tiện đến đăng ký, quy trình thực hiện khá nhanh gọn. Sau khi đăng ký thành công, xe sẽ được dán thẻ để hệ thống ETC nhận diện và được cấp tài khoản dịch vụ.
Lần đầu tiên sử dụng dịch vụ này, ông Vũ Quang Huy (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thường xuyên đi lại trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nhưng do chưa quen với hình thức thu phí mới nên đến bây giờ ông mới tiếp cận, đặc biệt khi có thông tin tuyến đường sắp tới sẽ thí điểm thu phí không dừng cho tất cả phương tiện. Theo ông Huy, dịch vụ này khá thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho lái xe, tuy nhiên ông còn lo ngại một số hiện tượng như: Hệ thống không nhận diện được phương tiện, liên thông giữa các trạm thu phí chưa thuận lợi...
 |
Phương tiện đi qua làn thu phí không dừng tại trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòngg |
Đại diện đơn vị quản lý, vận hành cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, ông Đặng Văn Nghị, Phó trưởng phòng phụ trách quản lý thu phí (Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng) đánh giá, việc thí điểm thu phí ETC hoàn toàn trên tuyến cao tốc này là chủ trương đúng đắn, hướng tới hình thành thói quen tham gia giao thông văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ xe sử dụng ETC còn khá thấp, ở mức khoảng 35% tổng lưu lượng xe trên tuyến. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lưu lượng xe trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hiện giảm 20-30% so với thời điểm năm 2019. Để việc thí điểm ETC toàn tuyến được thuận lợi, ông Đặng Văn Nghị cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể về việc đặt biển báo cấm với xe chưa dán thẻ ETC ngay từ đầu tuyến.
Nếu xe chưa dán thẻ nhưng vẫn vào trạm thu phí cần có phương án để tổ chức cho xe quay đầu, tránh ảnh hưởng đến phương tiện khác và gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có hướng dẫn về các xe ưu tiên như xe cấp cứu, xe của quân đội, công an, xe hộ đê... phải mở tài khoản của đơn vị cung cấp dịch vụ ETC để sử dụng khi qua trạm thu phí. Thời gian tới, đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để chuẩn bị các yêu cầu cần thiết cho việc vận hành an toàn, thuận lợi hệ thống ETC.
Tạo thuận tiện nhất cho người sử dụng dịch vụ
Bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn trên các tuyến đường, đặc biệt với các tuyến cao tốc là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Theo Trung tá Lê Đức Thọ, cán bộ Đội 2, Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đối với các xe sử dụng dịch vụ ETC, còn có hiện tượng xe qua trạm nhưng barie không mở, có thể do lỗi nhận diện thẻ, trong khi phương tiện qua làn ETC được đi với tốc độ 60km/giờ, dễ dẫn đến va chạm.
"Chúng tôi kiến nghị làm gờ giảm tốc tại làn ETC để phương tiện chú ý hơn khi qua trạm. Đồng thời, cần có phương án bảo đảm an toàn, nhất là với xe phải quay đầu vì không dán thẻ ETC hoặc thẻ bị lỗi", Trung tá Lê Đức Thọ chia sẻ.
Hiện có hai đơn vị cung cấp dịch vụ ETC trên toàn quốc, trong đó, Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã hoàn thành giai đoạn vận hành thí điểm toàn trình hệ thống ETC. Với dấu mốc này, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ số đầu tiên tại Việt Nam làm chủ 100% công nghệ hệ thống thu phí không dừng.
Hệ thống ETC của Viettel có tỷ lệ nhận dạng biển số xe là 99,8%; tỷ lệ nhận dạng thẻ đạt 98,48%. So với hình thức thu phí một dừng, thời gian di chuyển của phương tiện qua trạm giảm 60 lần, góp phần giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến cao tốc, quốc lộ.
Với việc đẩy mạnh dịch vụ ETC, nhất là trên các tuyến cao tốc như Hà Nội-Hải Phòng, ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC đánh giá, điều này sẽ rất thuận tiện cho chủ phương tiện và nhà đầu tư dự án BOT, việc đăng ký, dán thẻ ETC không mất nhiều thời gian, công sức nhưng quá trình sử dụng tiện lợi, giảm tiếp xúc trực tiếp tại trạm thu phí, công tác đối soát, hậu kiểm thu phí cũng nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Nhân viên của VDTC thường xuyên có mặt tại các trạm thu phí để hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó, còn có nhiều hình thức hỗ trợ khác thông qua tổng đài, đường dây nóng, trực tiếp đến tận nhà nếu khách hàng có nhu cầu. Đối với một số trường hợp xe đã có thẻ ETC nhưng không qua được trạm thu phí, ông Bùi Trình cho rằng, ngoài nguyên nhân do lỗi thẻ còn có thể do hệ thống vận hành.
Để khắc phục triệt để vấn đề này, cơ quan chức năng cần ban hành quy chuẩn về hệ thống, bất kỳ đơn vị nào đầu tư, lắp đặt ETC phải bảo đảm quy chuẩn chung, thống nhất để kết nối được với nhau. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo đảm hệ thống ETC vận hành thông suốt.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG