QĐND Online – Năm học mới sắp bắt đầu, tân sinh viên nhiều trường đại học đã làm thủ tục nhập học. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, niềm tự hào khi vừa vượt qua kỳ thi vất vả, còn là tâm trạng đầy lo âu của các tân sinh viên trong hành trình tìm chỗ ăn ở ổn định và an toàn. Điều mà hầu hết các em lo lắng là làm sao có một chỗ “an cư” để yên tâm hòa nhập với môi trường sống và học tập mới đầy khác biệt.
 |
Sinh viên làm thủ tục vào ở ký túc xá
|
Chỗ ở, nỗi lo hàng đầu
Đây là vấn đề mà hầu hết những sinh viên sống xa nhà đều lo lắng. “Chân ướt chân ráo” lên thành phố, để tìm được một chỗ trọ giá cả bình dân, gần trường, tiện cho việc đi lại là một việc rất khó khăn đối với hầu hết tân sinh viên. Có bạn tìm được chỗ trọ giá bình dân thì an ninh lại không tốt. Còn tìm được chỗ học gần trường thì giá cả lại khá đắt, riêng tiền thuê phòng đã tốn cả triệu đồng, khi chưa kể đến các chi phí sinh hoạt khác.
Mai Nguyệt Minh, tân sinh viên ĐH Giao thông vận tải cho biết: Lên Hà Nội gần 10 ngày mà em vẫn chưa tìm được phòng trọ, hiện đang ở tạm phòng trọ của một chị cùng quê trên phố Chùa Láng nhưng mấy lần phải “đỏ mặt” khi tối vừa mở cửa sổ thấy ngay cảnh “tế nhị” ở phòng trọ đối diện. Em đang cố gắng tìm những khu phòng trọ ít có va chạm kiểu như vậy.
Bên cạnh vấn đề môi trường an toàn, phù hợp thì giá nhà trọ luôn là điều các sinh viên đau đầu, nhất là những biến động về giá cả trong ngày đầu năm học, khi một lượng lớn sinh viên cả mới lẫn cũ ồ ạt đổ về. Nhiều phòng trọ tăng giá từ 200 đến 300 nghìn đồng so với trước hè. Trung bình, một phòng trọ hơn 10m2 có giá khoảng 1,5 triệu đồng, nếu là phòng trọ khép kín sẽ chênh lệch thêm 200 nghìn đồng.
Đinh Cường Thắng (quê Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: Hai bố con đã tìm nhà trọ khắp khu vực đường Láng nhưng những phòng trọ gần trường giá cao ngất ngưởng. Nếu thuê ở một mình thì gia đình làm nông như em không “kham” nổi. Em đang nhờ mấy anh chị đồng hương tìm hộ người ghép chung phòng để giảm thiểu chi phí.
“Em nghe nói sống trong ký túc xá đông đúc, không gian chật chội, sinh hoạt rất bất tiện, không được tự do lại khó đăng ký vì ít chỗ. Nếu thuê phòng trọ cùng mấy người bạn thân thuận lợi hơn nhưng sắp khai giảng tới nơi rồi mà chúng em vẫn chưa tìm được chỗ ở, chắc em sẽ vào ký túc xá để tìm hiểu kỹ hơn”, Vũ Thủy Hương (quê Hải Phòng), sinh viên ĐH Giao thông vận tải chia sẻ.
Ký túc xá, điểm đến an toàn và tiết kiệm
Trong khi nhiều sinh viên vẫn đang ngược xuôi trong hành trình tìm nhà trọ, thì nhiều bạn đã ổn định trong ký túc xá, mà theo nhận xét của họ vào thời điểm mọi giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt, cuộc sống bên ngoài nhiều “cạm bẫy” thì đây là lựa chọn vừa an toàn, vừa tiết kiệm.
 |
Vui mừng khi tìm được chỗ ở an toàn, tiết kiệm
|
Sinh viên Đồng Thị Huyền (quê Lạng Giang, Bắc Giang) cho rằng với mức phí chỉ có 170 nghìn đồng/tháng, em hoàn toàn thoải mái trong khu ký túc xá ĐH Bách Khoa Hà Nội. Bố mẹ đều làm ruộng, nuôi 3 chị em ăn học, để có 1,2 triệu đồng cho em chi phí sinh hoạt hằng tháng là cả vấn đề đối với gia đình.
“Ngày lên nhập học, em rất lo lắng không biết môi trường sống mới thế nào, có phức tạp không? Là con gái nên vấn đề khu vệ sinh có an toàn và sạch sẽ không là việc chúng em rất quan tâm. Bước chân vào ký túc, em cảm thấy rất yên tâm bởi một không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Bố mẹ em biết được cũng yên tâm”, Huyền vui vẻ cho biết.
Được vào ở trong ký túc xá là niềm mơ ước của không ít sinh viên, nhưng không phải trường nào cũng có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng tất cả lượng sinh viên nhập học. Tuy nhiên, các trường luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Ban quản lý Ký túc xá ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Trong tổng số 4.500 chỗ ở, Ban quản lý dành ra gần 1.200 chỗ cho các tân sinh viên. Chỉ với 120 đến 170 nghìn đồng mỗi tháng (tiền điện tính theo chỉ số đồng hồ, tiền nước mỗi tháng đóng thêm 15 nghìn mỗi em) là các em đã có một chỗ ở an toàn, sạch sẽ và khép kín. Năm nay, số chỗ ở tăng gần 200 chỗ so với năm ngoái. Ban quản lý vừa đầu tư xây mới khu vệ sinh cho mỗi phòng và toàn bộ giường tủ. Bên cạnh 5 khu nhà khép kín, sinh viên có thể ở 3 khu nhà không khép kín với giá 100 nghìn đồng/tháng.
Đến thời điểm này, khu ký túc vẫn còn chỗ để đón sinh viên. Nhà trường ưu tiên cho những sinh viên thuộc diện chính sách, con thương binh – liệt sĩ, hộ nghèo và sinh viên nữ. Bên cạnh đội ngũ cán bộ bảo vệ, mỗi khu nhà còn có lực lượng thanh niên xung kích, sẵn sàng tham gia bảo vệ tài sản và trật tự cho mỗi khu nhà - bà Đặng Thị Hương cho biết thêm.
Chàng tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Phạm Văn Tân (quê Lộc Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ: Sinh viên ở nội trú vừa an toàn, vừa tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn. Làm muối là công việc duy nhất để nuôi cả nhà có 4 anh chị em ăn học nên Tân rất thương bố mẹ. Để có 1,8 triệu đồng gửi cho em mỗi tháng, bố mẹ phải vay tiền ngân hàng. Tân hi vọng sẽ học tập thật tốt để sau 5 năm học, em không phụ công lao của bố mẹ.
Tìm được chỗ ở trong ký túc xá là may mắn của nhiều sinh viên. Một số người bạn của em học ở trường khác hiện vẫn chưa ổn định được chỗ ở, sinh viên Mầu Thị Phương Thảo (quê Thái Nguyên) cho hay.
Với số lượng ký túc xá ít ỏi như hiện nay chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của sinh viên. Đa số các bạn sinh viên đến từ các tỉnh đều mong muốn nhà trường và các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện và xây dựng thêm nhiều ký túc xá hiện đại, giúp sinh viên không phải còn gánh nặng với nỗi lo nhà trọ mỗi mùa nhập trường.
Bài, ảnh: Thu Hà