Tiềm năng lớn còn bị lãng phí

 Theo báo cáo của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 4.575 làng nghề và làng có nghề (30% là làng nghề truyền thống được công nhận), thu hút hàng chục triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Trong đó, Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm cho hơn 800.000 lao động, với hơn 8.000 doanh nghiệp và hợp tác xã buôn bán sản phẩm của các làng nghề, đem lại doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 4% tổng sản phẩm trên địa bàn Thủ đô.

Du khách lựa chọn sản phẩm tại làng lụa Vạn Phúc (TP Hà Nội).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá lợi ích kinh tế của sản phẩm làng nghề tại Việt Nam đem lại chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân, do các làng nghề hiện đang thiếu trầm trọng thợ trẻ, thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề vẫn sản xuất và bán những sản phẩm cũ; thiếu khả năng tự khai thác thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất làng nghề thường có quy mô nhỏ, nằm trong khu dân cư, mặt bằng chật hẹp, sử dụng công nghệ cổ truyền và kỹ thuật lạc hậu; hệ thống xử lý môi trường chung chưa được quan tâm đầu tư hợp lý; ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Bởi vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng nặng nề, ảnh hưởng xấu đến tổ chức sản xuất và chất lượng sản phẩm, cũng như sức khỏe người dân. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản và châu Âu chưa mở rộng đối với nhiều sản phẩm làng nghề Việt Nam và khiến làng nghề nước ta luôn phát triển dưới tiềm năng.

Phát triển thiết kế và du lịch làng nghề

Những năm gần đây, nhiều làng nghề, như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Phùng Xá… đã sáng tạo ra mẫu mã mới, cách làm mới, chất liệu mới để tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế. Nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là một người con của làng nghề tơ tằm Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Năm 2012, bà đã sáng tạo ra cách dệt tơ bằng chính con tằm. Cách làm này giúp nâng cao chất lượng của sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất vì giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp là kéo kén, ươm tơ, cào bông. Mới đây, bà Thuận cũng tham gia đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi tơ từ cuống lá sen” cùng với Viện Kinh tế sinh thái (Bộ Khoa học và Công nghệ). Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm lụa từ tơ sen đầu tiên tại Việt Nam đã thành công. Hiện khăn lụa tơ sen có giá hơn 4 triệu đồng/chiếc. Đến nay, công ty của bà Thuận sản xuất nhiều sản phẩm, như: Mền bông, gối, khăn, túi, áo… Những sản phẩm này không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn có mặt tại nhiều quốc gia, như: Đức, Bỉ, Trung Quốc…

Nghệ nhân Phan Thị Thuận (giữa), Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, hướng dẫn công nhân thực hiện công đoạn rải tằm. 

Bên cạnh đó, du lịch làng nghề ở Việt Nam hiện nay cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng bởi tính sinh động, đa dạng và phong phú. Hình thức này không chỉ giúp kinh tế làng nghề phát triển mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của các làng nghề. Ở Hà Nội, làng lụa Vạn Phúc đã rất thành công với mô hình này. Mới đây, Tuần lễ Văn hóa-Du lịch-Thương mại làng nghề Vạn Phúc thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước.

Ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết: "Để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, cần đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế quốc gia, từ hỗ trợ hệ thống đạo tạo về thiết kế, quảng bá thiết kế, đến xây dựng các chính sách thiết kế. Ngoài ra, cần xây dựng môi trường du lịch văn hóa tại làng nghề thông qua việc giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư có văn hóa giao tiếp với khách du lịch. Hiện nay, Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề rất lớn. Nếu tận dụng mùa thu là mùa khách du lịch đến tham quan Hà Nội nhiều nhất để tổ chức lễ hội quảng bá sản phẩm, văn hóa làng nghề sẽ rất hiệu quả và có thể đem lại giá trị kinh tế lớn”.

 Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội: Thời gian qua, trung tâm đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề tới thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam được tổ chức hằng năm tại Hà Nội ghi dấu những thành công. Thông qua hội chợ, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã tham gia chuỗi cung ứng-tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là cách làm hiệu quả để các địa phương áp dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề.

Bài và ảnh: LA DUY