QĐND Online – “Mỗi lần vào bệnh viện thực tập, tôi biết người bệnh khá ngại ngần khi để một học viên thực tập thăm khám. Ngoài việc thuyết phục bằng lời nói, tôi cố gắng giành niềm tin và sự an tâm của người bệnh bằng chính kiến thức của mình…”. Đó là chia sẻ của học viên Diêm Thị Vân, học viên Lớp 41, Học viện Quân y về những ngày đầu tham gia thực tập.
 |
Thượng sĩ Diêm Thị Vân với nhiều sáng tạo trong quá trình học tập, tích lũy kiến thức để phấn đấu trở thành nữ bác sĩ quân y giỏi.
|
Trở thành học viên của Học viện Quân y với số điểm đầu vào nằm trong tốp đầu cả nước, nghĩa là những người bước chân vào giảng đường ấy đều là những “cao thủ”, nhưng cô gái đến từ Hương Mai, Việt Yên (Bắc Giang) còn làm được điều mà nhiều học viên mơ ước. Đó là trong 6 năm học, Diêm Thị Vân đạt 6 danh hiệu học viên giỏi toàn diện, 5 danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 bằng khen Bộ Quốc phòng, 1 danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân và 3 đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn. Trong đó đề tài “Nghiên cứu tách chiết enzyme urease từ vi khuẩn Helicobacter Pylori” tại bộ môn Miễn dịch học đã “ẵm” giải nhất cấp Học viện và giải ba cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.
Diêm Thị Vân chia sẻ: Bước vào giảng đường đại học em cũng thấy “quá tải” với khối lượng kiến thức rất nhiều, nhưng trở ngại đó đã nhanh chóng qua đi khi chúng em được các thầy cô định hướng nội dung cần phải học ở trên lớp và phát huy tinh thần tự học, cộng thêm việc tham khảo cách học của các anh chị khóa trên về từng môn học.
Nếu biết được “bí quyết” học của Vân, hẳn nhiều người sẽ cho rằng không có gì quá đặc biệt nhưng lại mang đến hiệu quả rõ rệt. Đó là trước mỗi môn học, Vân đều tìm hiểu môn này mình phải học như thế nào, hình thức thi yêu cầu những gì để tìm ra nội dung chính cần phải nắm trước và nếu còn thời gian sẽ tìm hiểu sâu thêm. Mỗi một bài học đều được Vân làm đề cương, tổng hợp lại các tài liệu, đến lúc thi chỉ việc ôn theo đề cương.
Cách học hiệu quả ấy đã mang đến cho Vân nhiều “lợi thế” khi đi thực hành và tham gia các cuộc thi khám lâm sàng. Không chỉ áp dụng kiến thức được học để tìm ra bệnh mà khi tiếp xúc với bệnh nhân, Vân luôn đặt vấn đề làm sao để bệnh nhân cảm nhận được sự tôn trọng, sự cảm thông từ mình, để người bệnh chia sẻ và tạo điều kiện cho học viên học tập. Vân nghĩ khi bệnh nhân mắc bệnh nan y thì “liều thuốc” quý giá nhất mà bác sĩ có thể mang tới cho họ chính là sự động viên, mang đến niềm tin, sự lạc quan cho người bệnh.
Dù lịch học được Vân bố trí khá khoa học nhưng cũng không tránh khỏi những lúc cảm thấy mệt mỏi và nản chí, nhất là vào những kỳ thi căng thẳng. Lúc ấy, hình ảnh ông nội mất đột ngột vì nhồi máu cơ tim như thôi thúc sự quyết tâm trong Vân bởi “giá như mình chút hiểu biết về nghề y thì trước tiên có thể giúp người thân trong gia đình, sau đó là chữa bệnh cho mọi người trong xã hội, đó là một điều rất cần thiết”.
Với quyết tâm đó, Vân quyết định thi và trúng tuyển chương trình dào tạo bác sĩ nội trú với mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn.
Vân nghĩ việc tiếp xúc với những kiến thức cao hơn, những ca bệnh khó sẽ là động lực để bác sĩ phải trăn trở, cố gắng khắc phục hạn chế, hoàn thiện năng lực bản thân, phục vụ tốt hơn người bệnh. “Mình đã xác định học nghề y là để chữa bệnh cứu người và người bệnh không chỉ cần những mũi tiêm, viên thuốc mà quan trọng là cả thái độ, sự cảm thông chia sẻ của người thầy thuốc với bệnh nhân…” - Diêm Thị Vân chia sẻ nguyên tắc sống từ những năm tháng học tập và gắn bó dưới mái trường Học viện Quân y-đó cũng là tâm niệm để cô phấn đấu vì sự nghiệp mình đã lựa chọn.
THU HÀ