Những năm qua, TCVM đã dần đi vào đời sống xã hội ở Việt Nam và là giải pháp để chống tín dụng đen, chống cho vay nặng lãi đối với người nghèo.
Tài chính vi mô ngày càng lan tỏa
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú, đến tháng 5-2018, đã có 438 chương trình, dự án TCVM hoạt động tại 56 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, 402 chương trình, dự án TCVM do các tổ chức chính trị-xã hội trực tiếp quản lý; có 35 chương trình, dự án TCVM do UBND tỉnh, thành phố cấp phép hoạt động; 15 chương trình, dự án TCVM được NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký và 11 chương trình, dự án khác đang được xem xét để cấp giấy chứng nhận. Số lượng khách hàng được tiếp cận dịch vụ là 537.489 cá nhân và hộ gia đình. Tổng vốn chủ sở hữu khoảng 1.029 tỷ đồng. Tổng vốn huy động khoảng 726 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khoảng 2.988 tỷ đồng.
 |
Phụ nữ xã Ia Hla, huyện Chư Pưh (Gia Lai) làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. |
Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Nguyễn Thị Phượng: Nước ta là nước nông nghiệp, phần lớn dân số thu nhập còn thấp, do đó, việc phát triển các tổ chức TCVM là một trong những giải pháp tích cực để hỗ trợ người dân tạo thu nhập và cải thiện đời sống. Mô hình tổ vay vốn của Agribank luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng, tín dụng đen ở nông thôn. Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân.
Cơ hội cho phụ nữ thoát nghèo
Phó thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh khẳng định, khách hàng chủ yếu của TCVM là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ. Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, TCVM được xem như một công cụ “đòn bẩy” hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội.
Tại "Tổ chức TCVM Tình thương" (TYM), tính đến cuối năm 2017 đã có 89 thành viên được nhận Giải thưởng Doanh nhân vi mô xuất sắc tiêu biểu. Năm 2011, chị Dương Thị Tuyết, thành viên TYM tại Nam Định là một trong 6 doanh nhân vi mô trên thế giới được nhận Giải thưởng Doanh nhân vi mô toàn cầu với mô hình xưởng đúc đồng mỹ nghệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động TCVM tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, như: Hoạt động manh mún; sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng; các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức TCVM không cao; đặc biệt, khuôn khổ pháp lý vẫn chưa hoàn thiện, thống nhất... Ngoài ra, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng TCVM nói chung và phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình, trong đó có phụ nữ.
Phó thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, Việt Nam còn khoảng 7% dân số là người nghèo và khả năng tiếp cận tài chính của người nghèo, người có thu nhập thấp vẫn ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới thì dư địa cho hoạt động TCVM còn rất lớn. Chính phủ cần sớm đánh giá đầy đủ hiệu quả hoạt động thực sự của các tổ chức TCVM cũng như các chương trình, dự án TCVM trong phạm vi cả nước để có chiến lược phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững, phù hợp với tình hình của giai đoạn tiếp theo.
Bài và ảnh: HOÀNG GIANG