QĐND - Ngày cuối năm, về huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) chúng tôi được ông Dương Văn Em, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Tháng 9-2014, Nhơn Trạch có một công trình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, đó là Khu di tích lịch sử vụ thảm sát Giồng Sắn, thuộc xã Phú Đông. Việc nâng cấp xếp hạng không chỉ là sự ghi nhận giá trị lịch sử của di tích Giồng Sắn, mà còn khẳng định sức vươn lên toàn diện ở một vùng đất nghèo từng chịu nhiều đau thương, mất mát.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia cho di tích Giồng Sắn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân-dân Nhơn Trạch đã đấu tranh anh dũng, kiên cường. Các địa danh: Chiến khu Rừng Sác, Căn cứ Phước An, Lòng Chảo, Vũng Gấm, Đồng Tranh, Thiềng Liềng... gắn liền với những chiến công của bộ đội và nhân dân địa phương. Song, cũng có những địa danh trở thành chứng tích tố cáo tội ác dã man của đế quốc Mỹ xâm lược, đó là ngã ba Giồng Sắn, nơi xảy ra vụ thảm sát khiến 536 người thiệt mạng trong buổi chiều 27-9-1964. Tổn thất bất ngờ, quá lớn làm cho vùng quê nghèo hoang sơ, tan tác tưởng chừng không gượng dậy nổi với nỗi đau thương dai dẳng. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào cách mạng trên toàn khu vực lại bùng lên dữ dội. Ông Phạm Văn Hai, 81 tuổi, một cán bộ thời chống Mỹ, ngụ tại ấp Bến Đình, nhớ lại: Ít ngày sau vụ thảm sát, chi bộ Đảng địa phương đã cử cán bộ nằm vùng bí mật tiếp cận gây dựng lại cơ sở cách mạng, vận động, trấn an tinh thần bà con. Đặc công Rừng Sác chuyển về hoạt động cũng tích cực phối hợp giúp đỡ, nên tinh thần chiến đấu, khí thế cách mạng ở địa phương lại sôi sục và càng thêm quyết liệt. Nhiều gia đình trở thành cơ sở cách mạng, giao liên, nuôi dưỡng, tiếp tế cho bộ đội lập nên những chiến công lừng lẫy...

Hơn nửa thế kỷ đã qua, vụ thảm sát đã lùi sâu vào quá khứ. Vùng đất Phú Đông nay đã thực sự đổi thay, với những công trình giao thông, trường học, khu công nghiệp… mọc lên trên chính mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa. Tại khu vực Giồng Sắn, những cánh đồng mía, đồng lúa tươi tốt hứa hẹn mùa màng bội thu. Những chiếc thuyền của ngư dân đánh cá, thả lưới lướt nhẹ trên sông trong khung cảnh thật thanh bình, yên ả. Đặc biệt, sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn đã khiến vùng đất chiến trường xưa thực sự thay da đổi thịt. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ toàn huyện đã vượt tỷ trọng nông nghiệp; tổng sản lượng ngành công nghiệp, xây dựng tăng 7,5 lần; tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 24%/năm; khu vực dịch vụ tăng trưởng bình quân gần 19%/năm...

 Những con số ấn tượng đó nói lên sức bật mạnh mẽ của Nhơn Trạch trên đường công nghiệp hóa. Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định: Nhơn Trạch đang phát triển không ngừng nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang, đồng thời luôn coi trọng giáo dục, tuyên truyền khơi dậy giá trị lịch sử và truyền thống cách mạng của địa phương, tạo sức mạnh xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - THANH HẢI