QĐND Online – Đó là tinh thần cuộc họp sáng 13-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sửa đổi).

Sẽ thay thế các văn bản pháp luật về Viện kiểm sát

Theo tờ trình của Chính phủ, Hiến pháp năm 2013 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định chức năng của VKSND là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đã có những sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn nhiệm vụ và nguyên tắc hoạt động của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Những điểm mới này của Hiến pháp đã đặt ra yêu cầu phải được làm rõ trong Luật tổ chức VKSND.

Qua thực tiễn 10 năm thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002 và các Pháp lệnh, bên cạnh những kết quả tích cực cũng nổi lên một số vấn đề vướng mắc, bất cập:

Các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002 về các lĩnh vực công tác thực hiện chức năng của VKSND đã không còn phù hợp, không bao quát hết các nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong điều kiện mới; nhiều quy định còn mâu thuẫn với quy định của các bộ luật, luật nêu trên.

Luật tổ chức VKSND năm 2002 và các Pháp lệnh chưa quy định các cơ chế để bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện được đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm; chưa quy định biện pháp xử lý trong trường hợp Viện kiểm sát đề ra yêu cầu, kiến nghị mà các chủ thể có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, dẫn đến hiệu quả của kiểm soát quyền lực và thực thi quyền lực còn hạn chế.

Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tối cao

Luật tổ chức VKSND năm 2002 và các Pháp lệnh chưa bao quát hết các vấn đề về tổ chức bộ máy và cán bộ của Viện kiểm sát; quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên không còn phù hợp với tính chất của chức danh tư pháp này, tạo ra nhiều khó khăn cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên; quy định về những điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Viện kiểm sát nói chung, Kiểm sát viên, Điều tra viên ngành Kiểm sát nói riêng chưa cụ thể và chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện.

Luật phải bảo đảm cho VKSND có vai trò, vị thế tương đồng với Viện công tố/Viện kiểm sát các nước trên thế giới trong quan hệ này.

Để thực hiện mục tiêu, quán triệt các quan điểm chỉ đạo, phạm vi sửa đổi Luật tổ chức VKSND lần này được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện về tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm thể chế Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu cải cách tư pháp; đồng thời, trên cơ sở pháp điển hóa Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2011. Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) sẽ thay thế toàn bộ các Luật, Pháp lệnh nêu trên.

Băn khoăn về các quy định liên quan đến quân đội

Phát biểu thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề, “Luật xây dựng lần này đã bao quát được hết những nhiệm vụ của Hiến pháp năm 2013 giao cho VKSND hay chưa? Cần rà soát lại xem có bỏ sót nhiệm vụ nào không? Đặc biệt là các nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được hiến định”. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, “Hiến pháp mới đã quy định cụ thể nhiệm vụ của VKSND tại điều 107. Các quy định của luật cơ bản đã bao hàm các nhiệm vụ về bảo vệ quyền công dân của người dân, tuy nhiên, các quy định về bảo vệ quyền con người dường như còn “vắng bóng” trong dự thảo luật. Chẳng hạn quy định nhiệm vụ của VKSND phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hiến pháp chưa thấy được cụ thể hóa rõ và đầy đủ trong dự thảo luật. Đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại, bảo đảm dự thảo Luật cụ thể hóa đầy đủ các nội dung về VKSND đã được hiến định”.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, tờ trình và Báo cáo thẩm tra đưa ra nhiều phương án quá. Khi soạn thảo và thẩm tra, cần phải có chính kiến cụ thể và lựa chọn các phương án tốt nhất trong từng vấn đề, hạn chế việc đưa ra nhiều phương án. Về chức năng, nhiệm vụ và các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát quân sự quy định tại điều Điều 86, ghi “Các Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.”  Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn, vậy nhiệm vụ khác ở đây là nhiệm vụ gì? Cần phải nghiên cứu kỹ, quy định cụ thể các nhiệm vụ, chức năng của Viện kiểm sát quân sự và cơ quan này chỉ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được quy định.

Về quy định Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát quân sự, dự thảo luật quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương có trách nhiệm báo cáo công tác của Viện kiểm sát quân sự cấp mình và cấp dưới trực thuộc, trả lời chất vấn trước Hội nghị đại biểu quân nhân do cơ quan chính trị quân khu và tương đương tổ chức hàng năm.” “Việc đưa ra quy định này có khả thi hay không? Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, rà soát lại xem Hội nghị đại biểu quân nhân có chức năng chất vấn hay không?” – Phó chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH