 |
Kiểm tra, niêm phong kho sữa của Công ty Kim Ấn |
Sau khi Trung Quốc công bố 22 công ty sản xuất sữa có chất melamine gây sạn thận, ngày 25-9 Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo mẫu sữa của Công ty TNHH Kim Ấn cũng có chất này (Kim Ấn đã nhập sữa của Tập đoàn Công nghiệp YILI -Trung Quốc từ năm 2007). Vậy phát hiện và ngăn chặn sữa có chứa melamine bằng cách nào?
Melamine là gì?
Nếu chỉ dùng các giác quan thì con người không phát hiện được đâu là sữa có chất melamine. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, phải gửi mẫu sữa đến Viện Pasteur hoặc Viện Y tế công cộng mới có thể phân tích, kết luận được. Melamine là gì? Về cấu trúc phân tử, melamine gồm một nhân 6 cạnh, trong đó có 3 nitơ, 2 carbon và 3 nhóm NH2 gắn vào 3 vị trí carbon (C3N6H6). Nitơ chiếm 66% khối lượng phân tử.
Melamine là một loại chất kết dính, ít độc khi dùng trong chế tạo keo dính là các vật liệu gia dụng, nội thất. Đưa melamine vào thực phẩm thì khi kiểm nghiệm sẽ cho chỉ số nitơ toàn phần cao dễ lầm tưởng là lượng đạm cao nhưng chỉ là lượng đạm cao “giả” (vì nitơ trong melamine không có tính dinh dưỡng như nitơ trong protein thật).
Nếu cho melamine vào nước, tạo ra một hỗn dịch giống sữa, rồi trộn với sữa tươi sẽ làm tăng lượng sữa tươi lên. Melamine có trong sữa bột sẽ làm tăng cân nặng của sữa bột (phát hiện năm 2008, tại Trung Quốc).
Trẻ em, chức năng thận còn chưa hoàn chỉnh, nếu uống sữa melamine sẽ làm cho bị sỏi thận và có thể tử vong. Người lớn nhiễm melamine ít bị độc hơn trẻ nhưng cũng có thể bị phá hủy bộ máy sinh sản, gây suy thận, sỏi thận, vôi hóa ống tiết niệu…
Ngăn chặn, xử lý ra sao?
Khi phát hiện 18 tấn sữa hiệu YILI (Trung Quốc) đã nhập vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Công ty TNHH Kim Ấn (182/19bis Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận), ngày 22-9-2008 đoàn Thanh tra liên ngành vệ sinh thực phẩm thành phố đã quyết định niêm phong toàn bộ lô hàng còn lại và cho thu hồi các sản phẩm YILI đang bán tại 125 cửa hàng tại 4 quận: Tân Bình, Phú Nhuận, quận 11, quận 10 và một số cửa hàng tại quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong buổi làm việc với đoàn thanh tra Sở Y tế ngày 22-9, bà Phan Thị Túy Vân, Giám đốc Công ty cho biết, vì tin tưởng mặt hàng YILI là một trong 500 nhãn hiệu sữa hàng đầu tại Trung Quốc và là nhà tài trợ chính cho Thế vận hội Ô-lim-pích Bắc Kinh 2008 nên Công ty Kim Ấn đã quyết định chọn sản phẩm này nhập về Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc kinh doanh Công ty Kim Ấn thì ngày 12-9-2008, khi nghe tin sản phẩm sữa bột của Công ty Sanlu ở Trung Quốc bị nhiễm melamine, công ty đã liên hệ với nhà sản xuất YILI, nhưng YILI trả lời là chưa bị phát hiện có nhiễm melamine. Mặc dù vậy, ngày 17-9, Công ty Kim Ấn vẫn quyết định không đưa hàng ra thị trường, đồng thời báo với các chủ đại lý của công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh không bán sữa YILI cho khách hàng. Đến ngày 19-9, Công ty YILI mới chính thức thông báo với Kim Ấn cần phải thu hồi sản phẩm của YILI.
Đến nay, Công ty Kim Ấn xác nhận lượng sữa thu hồi được tính tới ngày 22-9 là 54 thùng. Như vậy, số hàng còn phải thu hồi là 8 thùng 10 hộp (tương đương với 106 hộp loại 1 lít).
Ngày 22-9, Đoàn Thanh tra liên ngành Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện niêm phong 1.397 thùng (16.764 hộp) loại 1 lít sữa tươi tiệt trùng YILI; 7 thùng loại 24 hộp (250ml) và 1 thùng 26 hộp (250ml); 22 hộp sữa tươi tiệt trùng Orginial loại 250ml; 21 hộp 250ml sữa tươi tiệt trùng…
Thực hiện công điện khẩn của Bộ Y tế ngày 22-9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã cho công bố danh sách 22 công ty sữa Trung Quốc có chứa melamine, không được sử dụng, đồng thời cấm lưu hành tất cả các sản phẩm sữa và nguyên liệu sữa không có nguồn gốc xuất xứ, không có bao bì, nhãn mác…
Các đội công tác của Thanh tra Sở Y tế và Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố.
Thiết nghĩ, vì sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm, mọi người dân hãy tích cực tham gia phát hiện, ngăn chặn những loại sữa “độc” lưu thông trên thị trường và chấp hành nghiêm khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Cần tuyên truyền vận động phong trào nuôi con bằng sữa mẹ. Theo thông tin của Đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), hiện nay chỉ có khoảng 17% số bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng tuổi của trẻ. Đó là con số rất đáng lo ngại, cần khắc phục ngay.
Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ - HUYỀN NGA