Huyện Thanh Trì nằm ở phía nam Thủ đô Hà Nội. Qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, huyện Thanh Trì hiện có 15 xã và một thị trấn, diện tích đất tự nhiên là 6.349ha, dân số hơn 270.000 người. Người dân Thanh Trì luôn tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử-văn hóa và truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Thanh Trì có hàng nghìn thanh niên lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận, lập nhiều chiến công xuất sắc. Toàn huyện có 1.938 liệt sĩ; 856 thương binh; 5 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 143 chiến sĩ được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”; 119 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Dự án Tecco Diamond do Tập đoàn Tecco làm chủ đầu tư tại khu đô thị Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Ảnh: MINH QUÂN 

Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975 và bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì ra sức thi đua, đạt được nhiều bước tiến lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều khu đô thị mới ra đời như: Linh Đàm, Đại Thanh, Định Công, Pháp Vân-Tứ Hiệp, Tứ Hiệp-Ngũ Hiệp... Một số khu công nghiệp hình thành như: Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Ngọc Hồi; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn được cải tạo và nâng cấp. Các xã hoàn thành cải tạo mạng lưới điện, các công trình nước sạch, trạm y tế, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư, góp phần phục vụ tốt cho nhân dân.

Trong giai đoạn phát triển mới, với tinh thần phát huy truyền thống, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, huyện đã tập trung lãnh đạo, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và TP Hà Nội; xây dựng và thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 15,3%/năm. Đặc biệt, thu ngân sách của huyện tăng vượt kế hoạch, năm 2013 lần đầu tiên thu ngân sách đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện Thanh Trì tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt kết quả tốt. Huyện huy động 1.713 tỷ đồng xây dựng và hoàn chỉnh nhiều công trình quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tại các xã, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi, nước sạch, chợ nông thôn, các thiết chế văn hóa... đã làm bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi theo hướng đồng bộ, hiện đại; đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm.

Trong giai đoạn 2015-2020, tổng giá trị sản xuất hằng năm tăng bình quân 10,2%/năm; mức tăng thu ngân sách bình quân năm đạt 16,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ trọng thương mại, dịch vụ hiện chiếm 39,6%; công nghiệp, xây dựng chiếm 55,1%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 5,3%. Xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật-xã hội là khâu đột phá, Thanh Trì đã bố trí hơn 1.210 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật-xã hội. Năm 2017, Thanh Trì được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, huyện đã hoàn thành xây dựng 17 dự án đường giao thông với chiều dài 25,96km, trong đó có nhiều tuyến đường trục chính, đường kết nối, đường liên xã...

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, phát triển huyện Thanh Trì trở thành quận theo hướng văn minh, giàu đẹp, Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án nhằm thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá: Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa hành chính, tạo bước chuyển mạnh về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong tổ chức và điều hành; nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thứ hai, tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông. Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy các nguồn lực, khai thác hiệu quả các nguồn thu bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, tiến tới tự cân đối thu, chi ngân sách.

Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội của huyện Thanh Trì đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 đạt 13,2%/năm. Hoàn thành và phấn đấu vượt chỉ tiêu giao thu ngân sách nhà nước hằng năm, tiến tới bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách. Mật độ đường giao thông đô thị đạt 10km/km2; diện tích cây xanh công cộng đạt 6m2/người; thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch đô thị...

 

 Thạc sĩ NGUYỄN TIẾN CƯỜNG, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội