QĐND Online – Năm nào cũng vậy, không khí “vui như Tết” lại ùa đến với chúng tôi ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 11. Khi tiết trời se lạnh, trên mỗi nẻo đường góc phố bắt đầu thoang thoảng hương hoa sữa thì ở trong mỗi ngôi trường lại tràn ngập “hương” của “Hoa điểm tốt”, “Giờ học tốt”… Ngày Tết của chúng tôi – những người “gõ đầu trẻ”, luôn được các học trò chào đón với không khí phấn khởi như vậy.
Thật tự hào khi nghề giáo viên là một trong số ít những nghề có riêng một ngày để xã hội tôn vinh. Là một cô giáo trẻ mới ra trường, 4 năm “gõ đầu trẻ” có biết bao kỷ niệm vui buồn và chính điều ấy đã gắn bó tôi với mái trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), thấm thía hơn bài học đầu tiên từ khi mới bước chân vào ngôi trường Sư phạm.
 |
Những trang bích báo với tấm lòng chân thật là cách để các em gửi lời cảm ơn tới những người thầy, cô giáo của mình
|
Tiết học đầu tiên trên giảng đường, sinh viên lần lượt trả lời câu hỏi “Nghề sư phạm có gì hay và hấp dẫn hơn những công việc khác?”. Chúng tôi, những sinh viên năm thứ nhất rụt rè: “Thưa cô, làm giáo viên thì luôn được mọi người kính trọng nhiều hơn các nghề khác ạ.”, “Thưa cô, làm giáo viên luôn được mọi người gọi là “thầy”, là “cô” ạ”… Khi các bạn đã dùng hết “lời hay ý đẹp” để trả lời, đến lượt, tôi nhanh trí đáp: Thưa cô, ông bà ta có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, làm giáo viên luôn tiếp xúc với học sinh nên chúng ta luôn có một tâm hồn trẻ trung ạ”. Vậy là bài học đầu tiên mà các thầy cô giáo tương lai được học là về “lòng yêu nghề”. Nghề nào trong xã hội cũng có những khó khăn và vất vả riêng, phải say với nghề và yêu nghề thì mới biết hết những cái “thú” của nghề.
Cho đến bây giờ, khi đã thực sự “sống” với nghề, tôi mới hiểu hết cái “thú” của nghề không chỉ đơn giản là những điều thú vị mà chúng tôi - những sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường suy nghĩ.
Trở thành một giáo viên, đồng nghĩa với mọi hành động của bạn phải chuẩn mực; dù cuộc sống có ra sao, bạn vẫn luôn phải giữ được hình tượng “hoàn hảo” trong mắt mọi người. Đây quả là áp lực không nhỏ, nhất là đối với những giáo viên trẻ, kinh nghiệm cuộc sống và thời gian “đứng lớp” chưa nhiều.
Nhìn vào thời khóa biểu, hẳn mọi người sẽ nghĩ nghề giáo có nhiều thời gian rảnh nhưng thực tế là ngoài giờ dạy, tiết dạy trên lớp, mỗi thầy cô giáo còn phải tham gia rất nhiều các hoạt động quan trọng của trường như: Các phong trào và hoạt động xã hội, đưa học sinh đi tham quan, ngoại khóa, trực tuần, trực giám thị, họp, bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ… Những công việc ngoài giờ lên lớp ấy gần như lấp đầy khoảng trống trong thời gian biểu của chúng tôi, chưa kể đến thời gian dành cho việc soạn bài, chấm trả bài kiểm tra.
Quả không ngoa khi các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ thường dùng hình ảnh “thức đêm bên trang giáo án” khi nói về nỗi vất vả của những thầy cô giáo, bởi để có được một giáo án hoàn thiện, người giáo viên tâm huyết với nghề phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, có khi phải mất hàng tuần trăn trở, hàng năm suy ngẫm và thử nghiệm mới thiết kế được một giáo án hay. Cái khó của công việc còn ở chỗ, một giáo án đã soạn xong nhưng khi dạy ở các lớp, các khóa khác nhau thì giáo án ấy phải “mềm dẻo” để phù hợp với năng lực học sinh và sự thay đổi của thực tế.
Giờ đây, khi đã “lăn lộn” với nghề, tôi càng hiểu được nỗi vất vả của những người trong cuộc. Vất vả đầu tiên là cái “tâm” với nghề, đó là: Học trò “muôn thủa” đều thích chơi, trong khi chương trình học vẫn nặng nề; học trò luôn hiếu động mà mỗi tiết dạy chỉ vẻn vẹn 45 phút; học sinh luôn bị tác động bởi những thông tin ngoài xã hội trong khi điều kiện của trường học không phải lúc nào cũng đáp ứng được tốc độ đổi mới chóng mặt đó…
Thầy cô giáo có cái “tâm” với nghề sẽ là những người luôn trăn trở với câu hỏi: “Làm thế nào để các em thích học?”, “Làm sao để các em hiểu bài và chịu học bài?”, “Quản lý những cô cậu “nhất quỷ, nhì ma” ra sao mà vẫn giải quyết được bài học chỉ trong 45 phút?”...
Bài học đầu tiên mà một cô giáo trẻ, là tôi, được các đồng nghiệp đi trước của trường THCS Lê Lợi truyền lại để quản lý học sinh là “vừa nghiêm khắc, vừa yêu thương”. Giáo viên nghiêm khắc thì học sinh ngoan nhưng nghiêm khắc thôi thì chưa đủ vì ngoài dạy, người thầy ngày nay còn phải biết “dỗ” nữa. Sự nghiêm khắc chỉ khiến học sinh sợ mà thực hiện theo, không có sự tích cực, chủ động hay nhiệt tình với việc học.
Học sinh thời nay thông minh, giỏi hơn nhưng các em cũng “nhạy cảm” hơn học sinh thời chúng tôi rất nhiều. Do đó, người thầy thời nay cần có cách để khơi dậy niềm hứng thú học tập ở các em, làm sao để các em nhiệt tình với việc học, yêu thầy mà làm bài tập về nhà, mến cô mà học thuộc bài trước khi đến lớp. Có thể nói, để xứng đáng với tiếng “thầy”, tiếng “cô”, cái “tâm” của người giáo viên không thể nhàn nhã được.
Tuy nhiên, nếu ai chỉ nhìn nghề giáo ở khía cạnh quanh năm nhọc nhằn, khó khăn thì hẳn sẽ không cảm nhận cái “thú” của nghiệp “trồng người”.
Những ngày 20-11, không khí háo hức, nhiệt tình lại bắt nguồn từ các em học sinh. Niềm hân hoan đó lan tỏa ra toàn trường, mang tới những nụ cười cho các thầy, cô giáo. Nhiều chương trình biểu diễn được các em hăng hái chuẩn bị, tham gia bằng các hình thức: Thi báo tường, thi “Rung chuông vàng”, biểu diễn thời trang…
Chúng tôi cảm nhận những niềm vui, không khí tươi trẻ ngập tràn từng lớp khi nhìn các em náo nức chuẩn bị giấy màu, bút dạ, sưu tầm các bài thơ, bài hát; viết những bài báo, bài văn về chủ đề “thầy cô và mái trường” để làm Bích báo.
Màu sắc từ những bức tranh ngộ nghĩnh của học sinh lớp 6, từ những vần thơ cảm động, trìu mến gọi cô bằng “mẹ”; từ những con thuyền đầy thơ và những lời tự sự chân thành… khiến chúng tôi cảm thấy cuộc sống cũng thật rực rỡ, nhiều sắc màu.
“Cô ơi cô, con nghĩ Ngày 20-11 mà không làm báo tường thì cũng như ăn Tết mà không có bánh chưng vậy”, câu nói ngộ nghĩnh của em học sinh khiến tôi bật cười nhưng cảm động vô cùng. Cảm động vì các em làm báo không phải vì thành tích, thích thi đua mà quan trọng hơn, các em làm báo vì đó là cách các em thể hiện sức trẻ, năng lực sáng tạo và hơn thế nữa, đó là cách để các em gửi lời cảm ơn tới chúng tôi.
Ngày 20-11 đã tới, sân trường tràn ngập tiếng cười và hoa; những “nụ hoa tươi thắm rạng ngời” như những chú chim non ríu rít khắp sân trường khiến mỗi thầy cô giáo đều cảm thấy ấm lòng, ấm cả nụ cười vương mãi trên môi. Cả năm học vất vả nhọc nhằn có lẽ đều tiêu tan trong giây phút ấy.
Phút giây hạnh phúc khiến con tim đập rộn ràng ấy chính là món quà cuộc sống đã ban tặng cho ai theo nghề này, là cái “thú” không phải nghề nào cũng có được. Có lẽ vì vậy, câu nói “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua…Sư phạm…” không còn đúng với chúng tôi khi lựa chọn nghề nghiệp này cho tương lai.
Cô giáo Phạm Hương Thảo – Trường THCS Lê Lợi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
THU HÀ (ghi)