 |
Nghệ nhân Nguyễn Thanh đang say sưa với những sản phẩm gốm.
|
Từ nhiều đời nay, các sản phẩm làm từ gốm Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã nức tiếng trong Nam, ngoài Bắc: “Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng...”. Vậy mà, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, làng gốm Hương Canh ngày càng thu hẹp và đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Những người “sống chết” với nghề của làng giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay và đang lay lắt gắng gượng cùng gốm qua ngày...
Hết đất, bỏ nghề!
Nằm trên tuyến quốc lộ 2, cách Hà Nội khoảng một giờ chạy xe, đường sá được mở rộng khiến cho vùng đất Hương Canh như càng thêm nhộn nhịp. Không còn cảnh tắc đường, bụi bặm của cách đây vài năm. Đi từ đầu đến cuối làng, căng mắt tìm kiếm, chúng tôi cũng chẳng tìm thấy một dấu hiệu nào của một làng nghề nức tiếng một thời.
Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thanh, người khát khao duy trì một phần tiếng thơm của làng nghề. Lò gốm nhà ông là sự tồn tại duy nhất ở Hương Canh vẫn thỉnh thoảng đốt lửa. Cho đến bây giờ, không mấy ai biết chính xác cái nghề làm gạch, ngói, gốm ở Hương Canh có từ bao giờ. Ngay bản thân ông Thanh cũng vậy, ông chỉ biết từ thời các cụ đã làm cái nghề này rồi. Lên năm, bảy tuổi ông Thanh đã làm gạch, ngói và chính cái nghề này đã nuôi sống cả gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong làng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Ngói và gốm Hương Canh đã có thâm niên hơn 300 năm, nhưng căn cứ vào một số di chỉ tìm thấy thì có lẽ còn lâu hơn.
Ông Thanh hào hứng kể cho chúng tôi nghe về một thời vàng son của Hương Canh: “ Cách đây khoảng hơn chục năm, cả xã như một đại công trường làm gạch, ngói. Người đặt mua sản phẩm nhiều đến mức cung không kịp cầu. Người ở Hương Canh sống bằng nghề và cũng nổi tiếng nhờ nghề… Ban đầu, sản phẩm chủ yếu của làng gốm Hương Canh là vại sành. Sau đó, những nghệ nhân làng nghề chuyển sang làm các tác phẩm nghệ thuật từ gốm. Gốm Hương Canh là thứ gốm sành thô, không dùng màu ngoài, chỉ dùng lửa để tạo nên hai màu sắc đặc trưng: xanh thẫm và nâu đất. Có lẽ chính sự giản dị, mộc mạc đã làm nên điểm đặc biệt. Gốm sành này chỉ có đất tại Hương Canh mới làm nên được, đặc biệt là hai màu đặc trưng thì không thể lẫn với bất kỳ làng gốm nào”.
Mắt đang rực sáng, tự nhiên, giọng ông Thanh chùng xuống: “Phát triển nghề gốm, tới một ngày, người dân Hương Canh giật mình khi thấy diện tích đất nông nghiệp cứ bị thu hẹp lại. Hết lớp này đến lớp khác, các khu đất trống và các khu ruộng trồng hoa màu, cấy lúa đều bị khoét sâu thành ao, thành hồ… Cùng lúc đó, chính quyền địa phương siết chặt công tác quản lý và cũng từ đó, những lò nung ở Hương Canh cứ tắt lửa dần…”.
Chạnh lòng với làng nghề!
Rời nhà ông Thanh, phải mất khá lâu chúng tôi mới tìm được một lò đốt gạch còn sót lại. Đó là lò gạch của gia đình anh Nguyễn Tất Viên, 48 tuổi, ở xóm Đống Mước, Hương Canh. Dẫn chúng tôi ra khu vườn nhỏ trước nhà, nơi 4 vạn viên gạch mộc đang xếp phủ kín lối đi, chỉ tay về phía hai cái ao cuối vườn, anh Viên nói: “Hai cái ao kia cũng vì khoét đất làm gạch mà thành. Khoét sâu quá rồi không thể khoét thêm được nữa”. Rồi anh cho biết: Do không có đủ đất, nên cái lò gạch của anh mỗi năm cũng chỉ được đỏ lửa một lần.
Anh Viên tâm sự: “Nghề đốt gạch bây giờ phất lắm, dễ tiêu thụ, lãi lại cao. Nếu có đủ đất thì tôi có thể đắp thêm 4-5 cái lò nữa. Nhưng không có đất, phải đi mua từng cục, làm ăn thất thường nên thu nhập cũng kém đi nhiều. Chứng kiến giá gạch, ngói cứ tăng vù vù hồi đầu năm đến nay mà thấy bứt rứt chân tay không chịu được, nhưng không có đất biết làm sao?”.
Khi nhắc đến việc làng nghề bị “khai tử”, ông Nguyễn Hữu Sản, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh cũng không khỏi xót xa: “Phần lớn đất đã và đang được tỉnh quy hoạch, thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp. Trong khi đó, khu vực nào đất có thể làm gạch thì đã đào bới hết cả. Thị trấn chỉ còn lại ít đất lúa, chính quyền phải giữ lại để bảo đảm lương thực tại chỗ. Không còn làng nghề, người dân Hương Canh mất đi một nét văn hóa lâu đời, nhưng đáng lo ngại hơn cả đó là bài toán việc làm cho hàng loạt nông dân trong làng hiện nay vẫn chưa tìm được lời giải”.
Ở Hương Canh, trò chuyện với bất kỳ người dân nào chúng tôi cũng thấy sự tiếc nuối hiển hiện trên từng gương mặt. Ai cũng tiếc nuối về những ngày làng Hương Canh ngày đêm sôi động, tấp nập. Song, dường như tất cả chỉ còn là miền ký ức. Sự tiếc nuối là tâm trạng chung của những người đã từng tự hào và gắn bó với gốm Hương Canh...
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN