Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa ông, bản chất của tiền ảo là gì. Sự khác nhau giữa tiền ảo và tiền điện tử là như thế nào?
Ông Đặng Anh Tuấn: Tiền ảo là một loại tiền tệ kỹ thuật số, được tạo ra dựa trên thuật toán máy tính thông qua công nghệ chuỗi khối (blockchain) chứ không phải từ một ngân hàng trung ương. Tiền ảo có thể được trao đổi trực tiếp giữa các thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua tổ chức tài chính trung gian. Các giao dịch sử dụng tiền ảo mang tính bán ẩn danh và có chi phí giao dịch thấp. Ví dụ, một đồng tiền ảo phổ biến trên thị trường hiện nay là Bitcoin. Nó được tạo ra tự động, theo một lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán. Số lượng Bitcoin được tạo mới giảm dần theo thời gian và đạt tổng số lượng tối đa là 21 triệu Bitcoin vào năm 2140.
 |
Ông Đặng Anh Tuấn. Ảnh: HỒNG HẢI |
Tiền điện tử, trên thực tế là muốn nói tới việc sử dụng thiết bị điện tử để chuyển tiền trong các giao dịch. Về bản chất, tiền điện tử vẫn là tiền theo nghĩa thông thường, được phát hành và chịu trách nhiệm giữ ổn định giá trị đồng tiền bởi ngân hàng trung ương của mỗi quốc gia. Thay vì sử dụng tiền mặt để giao dịch, người ta sẽ sử dụng các công cụ, như: Thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ, ví điện tử để thực hiện thanh toán. Do vậy, tiền điện tử chính là việc sử dụng phương tiện thanh toán điện tử để thay cho thanh toán bằng tiền mặt.
PV: Nhiều người cho rằng, đầu tư vào tiền ảo đem lại lợi nhuận cao hơn so với cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ, vàng… ông nghĩ gì về nhận định này?
Ông Đặng Anh Tuấn: Tôi không cho rằng đầu tư vào tiền ảo mang lại lợi nhuận lớn. Tôi cho rằng đây là một khoản đầu tư rủi ro. Sự xuất hiện của tiền ảo vẫn còn mới (Bitcoin ra đời từ năm 2009), trong khi việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ, vàng… đã có lịch sử hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, các giao dịch sử dụng Bitcoin chưa nhiều và giá trị vốn hóa của toàn bộ Bitcoin trên thế giới mới chạm mốc 109 tỷ USD trong ngày 1-11-2017. Đây là con số quá nhỏ bé so với quy mô giao dịch hằng ngày của thị trường ngoại hối toàn cầu với quy mô 5.100 tỷ USD (theo số liệu từ Ngân hàng thanh toán quốc tế, tháng 4-2016). Việc tiền ảo thu hút sự chú ý của công chúng, chủ yếu do báo chí đã thông tin về sự tăng giá quá nhanh chóng của Bitcoin trong thời gian gần đây, cùng với sự chấp nhận thanh toán của nhiều công ty cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Việc Bitcoin trở nên quá đắt và có nhiều loại tiền tệ kỹ thuật số mới sẽ ra đời sẽ tạo ra các bất tiện trong thanh toán, đó là một nhược điểm lớn của loại tiền tệ này khi sử dụng trong thực tế. Tôi đánh giá tiền ảo chưa phải là phương tiện thanh toán quan trọng trong nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế quốc gia.
PV: Những rủi ro khi đầu tư kinh doanh tiền ảo là gì, thưa ông?
Ông Đặng Anh Tuấn: Tiền ảo đang trải qua một cơn sốt giá khi đột nhiên có nhu cầu sử dụng tăng cao, kết hợp với việc được một số công ty chấp nhận thanh toán. Rủi ro đầu tiên khi tham gia đầu tư tiền ảo là sàn giao dịch bị ngưng hoạt động và người chơi không thể chuyển đổi từ tiền ảo sang tiền mặt khi có nhu cầu. Trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp bị mất tiền ảo trên sàn giao dịch Bitcoin. Thứ hai, đó là rủi ro về giá. Bởi giá trị của tiền ảo có thể lên xuống rất nhanh chóng, phụ thuộc vào tâm lý của người mua và người bán trên thị trường. Do vậy, hoạt động đầu tư vào tiền ảo chứa đựng nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư. Thực tế đầu năm 2014, giá Bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi 2 sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật và nhà chức trách Mỹ bắt giữ 4 nhân vật bị tình nghi đã sử dụng Bitcoin cho các giao dịch tội phạm.
PV: Vậy theo ông, cần phải có biện pháp gì để quản lý tiền ảo?
Ông Đặng Anh Tuấn: Nhà nước cần truyền thông rõ cho dân chúng biết về rủi ro khi đầu tư vào tiền ảo và rủi ro của thanh toán khi sử dụng Bitcoin. Chúng ta sẽ không chấp nhận Bitcoin là tiền tệ nhưng có thể quản lý Bitcoin như một hàng hóa đặc biệt có thể được mua bán, trao đổi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế quản lý các sàn tiền ảo và các giao dịch chuyển đổi từ tiền tệ (Việt Nam đồng, đô la Mỹ hoặc vàng) sang tiền ảo và ngược lại để có thể giám sát được các giao dịch này. Cần lưu ý, do tính bán ẩn danh nên tiền ảo có thể được sử dụng như một phương tiện để chuyển tiền, ngoại tệ ra nước ngoài mà Nhà nước khó có thể kiểm soát hoặc được tài trợ cho khủng bố, các hoạt động tội phạm liên quan đến tống tiền. Gần đây một số phần mềm mã hóa dữ liệu tống tiền có liên quan đến việc yêu cầu nạn nhân thanh toán bằng Bitcoin. Đây là những dấu hiệu cho thấy việc quản lý tiền ảo có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động phòng ngừa tội phạm tiền điện tử và an ninh tiền tệ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN ANH VIỆT (thực hiện)