Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
 |
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, với chủ trương của Đảng và nhà nước chú trọng vào phát triển du lịch, ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Quảng Ninh nói riêng đã có những bước tiến quan trọng. Trong năm 2018, Quảng Ninh đã đón được 5 triệu du khách quốc tế. Tuy nhiên nếu so với tiềm năng và lợi thế, du lịch Quảng Ninh vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa. "Để hướng tới mục tiêu đó, Việt Nam nói riêng và Quảng Ninh cần phải hướng tới sản phẩm du lịch mới, phát triển liên vùng, Hạ Long, Quảng Ninh trở thành đô thị du lịch vươn tầm thế giới. Tập đoàn FLC hướng tới khi xác định Quảng Ninh là địa bàn đầu tư chiến lược của Tập đoàn. Đến với Quảng Ninh, bên cạnh những tiềm năng giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên sự ra đời của sân bay quốc tế Vân Đồn cũng là một trong những lợi thế lớn để phát triển du lịch”, bà Hương Trần Kiều Dung nhấn mạnh.
 |
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. |
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp cao nâng tầm đẳng cấp quốc tế, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hoá miền đất, con người Quảng Ninh; trở thành một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đưa du lịch thành ngành mũi nhọn với hệ thống hạ tầng hiện đại, trở thành một trong những đầu tàu để phát triển kinh tế. Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đón 15-16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu khách quốc tế vào năm 2020, đến năm 2030, tổng khách du lịch đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt, góp phần quan trọng để tỉnh Quảng Ninh có cơ cấu kinh tế dịch vụ đi đầu vào năm 2020. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, du lịch Quảng Ninh còn gặp rất nhiều thách thức trên con đường phát triển, đó là vừa phải tập trung phát triển nhanh du lịch, vừa phải chú trọng bảo tồn các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa với các ngành sản xuất công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng để phát triển bền vững; phát triển du lịch đồng bộ với việc phát triển hạ tầng đô thị, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp; phát triển du lịch với việc thúc đẩy các loại hình văn hóa bản địa, tạo được sự riêng biệt của điểm đến Hạ Long; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch có tính chuyên nghiệp, chất lượng cao quốc tế đáp ứng các yêu cầu trước mắt và lâu dài; quyết liệt trong công tác đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh để mang lại hình ảnh tốt đẹp trong du khách.
Cần mở rộng không gian du lịch hơn nữa
Đề cập đến những cơ hội, thách thức đối với du lịch Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian gần đây, khách du lịch đến với Quảng Ninh mới biết đến một số địa danh nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, Yên Tử... Tuy nhiên, thực tế Quảng Ninh còn có 600 di tích lịch sử văn hóa trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Có thể thấy, Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái ban cho điều kiện tự nhiên, văn hóa làm tiền đề phát triển du lịch. Ngoài ra, các dân tộc thiểu số cũng góp phần làm đa dạng hóa hoạt động du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp gắn với du lịch, văn hóa bản địa. Vừa qua, Quảng Ninh cũng đã tổ chức thành công Làng văn hóa yêu nước ở Đông Triều mục tiêu đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ cơ bản trở thành tỉnh du lịch dịch vụ hiện đại.
 |
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, Quảng Ninh có nhiều danh lam thắng cảnh và công trình văn hóa, lịch sử phong phú, hấp dẫn với các khu, điểm du lịch như: Vịnh Hạ Long, Yên Tử và các Khu di tích quốc gia đặc biệt: Nhà Trần ở Đông Triều, Bạch Đằng ở Quảng Yên, Cửa Ông ở Cẩm Phả với hơn 600 di tích lịch sử văn hóa, các khu biển đảo. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, hệ thống đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm du lịch trong và ngoài nước. Quảng Ninh đã có hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp cao của các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Sungroup, FLC, Vingroup…
Sự thay đổi diện mạo đô thị, các công trình hạ tầng mới được đưa vào khai thác, các khách sạn, cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch mới được ra đời với chất lượng ngày càng cao hơn, nhận thức về du lịch của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cũng như các cấp chính quyền tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tích cực, điều đó đã minh chứng khẳng định hướng đi đúng đắn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh trong phát triển du lịch của miền Di sản.
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu đều cho rằng, để du lịch phát triển vươn tầm di sản, Quảng Ninh cần chú trọng xây dựng hạ tầng cơ sở, đô thị tầm quốc tế; chú trọng việc đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch và bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững.
Bài và ảnh: VƯƠNG THÚY