QĐND - “Quân y Vùng 5 Hải quân luôn là “điểm tựa”, chỗ dựa tin cậy của nhân dân trên vùng biển, đảo Tây Nam, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, hoạn nạn. Mong rằng, ngành quân y của vùng tiếp tục được tăng cường về lực lượng, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phối hợp hiệu quả với y tế địa phương thực hiện hiệu quả kết hợp quân dân y, bảo vệ, chăm sóc tốt hơn sức khỏe bộ đội và nhân dân nơi “đầu sóng”… Đó là tình cảm, mong muốn, gửi gắm niềm tin của nhiều cán bộ, người dân trên vùng biển, đảo tiền tiêu còn nhiều gian khó đối với các thầy thuốc chiến sĩ Vùng 5 Hải quân.
Nơi gian khó, có quân y
Đảo Thổ Chu cách đất liền hơn 100 hải lý; điều kiện thời tiết thuận lợi thì 5 ngày có một chuyến tàu về Phú Quốc, rồi mới đi tiếp vào đất liền (tổng chặng đường khoảng 220km). Mùa biển động, giao thông đi lại giữa đảo với đất liền có khi gián đoạn từ 1 đến 2 tháng. Dịp này, tàu của huyện đảo đi sửa chữa lớn (khoảng 2 tháng), nên “cầu nối” giữa đất liền với đảo đều do tàu vận tải của bộ đội Vùng 5 đảm nhiệm. Bệnh xá quân dân y Thổ Chu thực sự là “điểm tựa” của nhân dân và ngư dân. Thượng úy Trần Đình Dũng, Chủ nhiệm quân y kiêm Bệnh xá trưởng của đảo cho biết: Có những ca bệnh nặng, các thầy thuốc trên đảo vừa xử trí, vừa điện về quân y vùng xin ý kiến chỉ đạo về chuyên môn và đã xử trí thành công. Cứu chữa, giành giật sự sống cho người bệnh nơi biển đảo xa xôi với các thầy thuốc quân y cũng là “nhiệm vụ chiến đấu”. Nhìn ánh mắt trìu mến, biết ơn của người dân được cứu chữa khỏi bệnh, qua cơn nguy kịch, chúng tôi rất vui và luôn gắng giúp đỡ bà con được nhiều hơn…
 |
Thầy thuốc Quân y Vùng 5 khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân xã đảo Hàm Ninh, huyện Phú Quốc.
|
“Đặc thù” của Vùng 5 Hải quân là từ cơ quan Bộ tư lệnh vùng đến các đơn vị đều đóng quân, làm nhiệm vụ, gắn bó với nhân dân trên vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc, nhất là các đảo xa bờ thuộc 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, cách trở; tính chất bảo đảm mọi mặt, trong đó có bảo đảm y tế mang tính độc lập cao, nhất là khi có tình huống thiên tai, thảm họa..., trong khi mạng lưới y tế ở nhiều nơi trên địa bàn còn “mỏng”, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là bác sĩ. Cuối năm 2010, trong chuyến thăm, kiểm tra của đoàn cán bộ Bộ Y tế đến 5 xã đảo trên vùng biển Tây Nam, chỉ duy nhất Trạm y tế xã Thổ Châu có bác sĩ, nên một số trang thiết bị hiện đại được trang bị cho các trạm y tế xã, như máy siêu âm, điện tim… không phát huy được hiệu quả, do không có cán bộ đủ trình độ khai thác, sử dụng.
Sau giải phóng nhiều năm, phần lớn các phẫu thuật ngoại khoa loại 1, 2, 3 cho bệnh nhân trên huyện đảo Phú Quốc đều được thực hiện tại Đội điều trị 78 (Vùng 5 Hải quân). Hiện nay, Bệnh viện đa khoa huyện đứng chân tại thị trấn Dương Đông (trung tâm huyện đảo), trong khi khu vực phía Nam đảo (có thị trấn An Thới với dân số hơn 30.000 người) cách trung tâm huyện gần 30km, đường sá đi lại khó khăn, nên nhiều người dân trong khu vực và ngư dân đánh bắt hải sản khi đau ốm, tai nạn… vẫn đến với Bệnh xá quân dân y (QDY) và Đội Điều trị 78 (Vùng 5). Đây thực sự là những “địa chỉ” tin cậy, thu dung, điều trị mỗi năm hơn 10.000 lượt bệnh nhân là người dân trên đảo.
Chị Nguyễn Thị Hà Tĩnh đưa bệnh nhân Nguyễn Trọng Sơn vào cấp cứu tại Bệnh xá QDY đảo Phú Quốc, bộc bạch: “Nhiều người thân, bạn bè của tôi thường đến khám, chữa bệnh tại Bệnh xá QDY và Đội Điều trị 78. Các thầy thuốc quân y duy trì chế độ trực nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm, chữa trị thành công nhiều ca đau ốm, tai nạn…, được bà con rất tin tưởng. Nếu không có các thầy thuốc Vùng 5, nhiều người bệnh ở phía Nam đảo và ngư dân làm ăn trên biển phải vượt đường xa về bệnh viện huyện hoặc vào đất liền chữa trị, vừa vất vả, tốn kém, lại không kịp thời. Mong sao, quân y Vùng 5 được quan tâm đầu tư hơn nữa để bà con thêm được “cậy nhờ”…
Xứng đáng là “điểm tựa
Để người dân yên tâm bám biển, gắn bó với đảo xa, với ngư trường thì bảo đảm y tế có vai trò rất quan trọng. Nhiều năm qua, quân y Vùng 5 Hải quân triển khai hiệu quả chương trình kết hợp QDY, thực sự là lực lượng nòng cốt trong cứu chữa, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân, nhất là ở vùng biển, đảo xa xôi. Nhiều ca phẫu thuật mổ đẻ, tai nạn, đột quỵ, bị rắn độc cắn… được các thầy thuốc quân y cứu chữa kịp thời, thành công. Ông Lê Minh, chuyên viên Phòng y tế huyện đảo Phú Quốc cho biết: Hoạt động kết hợp QDY trên địa bàn thực sự có “bề dày”. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, trong khám, chữa bệnh, cấp cứu, nhân dân trên huyện đảo hầu hết nhờ vào các thầy thuốc quân y Vùng 5. Những năm gần đây, mạng lưới y tế của huyện đảo được củng cố, nâng cấp, nhưng ngư dân hoạt động trên biển, nhân dân sinh sống, làm ăn trên các đảo xa bờ còn gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm y tế và không thể thiếu sự hỗ trợ của lực lượng quân y.
 |
Thầy thuốc Đội Điều trị 78 khám chữa bệnh cho người dân.
|
Trong 10 năm (2002-2012), Quân y vùng tham gia củng cố, nâng cấp 3 trạm y tế các xã An Sơn, Hòn Đốc và Dương Tơ (Kiên Giang), huấn luyện cho địa phương gần 60 y tá thôn, bản; tổ chức khám bệnh, chữa trị cho hơn 60.000 lượt người, điều trị hơn 7000 ca, cấp cứu hơn 500 bệnh nhân nặng; mổ đại phẫu, trung phẫu hơn 250 ca; cùng y tế địa phương tham gia phòng, chống dịch sốt xuất huyết, sốt rét… Quân y Vùng cử nhiều đội thầy thuốc đưa máy móc trang bị, thuốc men ra các xã đảo: Thổ Chu, Cửa Dương, Hòn Thơm, Bãi Thơm, Dương Tơ, Hàm Ninh, Gành Dầu, Cửa Cạn… khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng và uống vitamin A cho hàng chục nghìn lượt người…
Trung tướng Chu Tiến Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quân y, nguyên Đội trưởng Đội Điều trị 78, từng 10 năm (1975-1984) phục vụ trong ngành Quân y Vùng 5. Thấu hiểu những vất vả, khó khăn “đặc thù” trong bảo đảm, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trong khu vực, ông luôn mong muốn góp phần giảm bớt khó khăn, xây dựng lực lượng quân y của vùng ngày thêm vững mạnh, nhất là “nâng cấp” toàn diện Đội Điều trị 78 ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Trung tướng Chu Tiến Cường tâm sự: Vùng biển, đảo Tây Nam, có vị trí chiến lược trọng yếu, những năm gần đây có bước tăng trưởng mạnh về dân số, kinh tế, du lịch… (nhất là tại huyện đảo Phú Quốc), nhưng về y tế thì vẫn “đi sau”, trong khi đặc thù về địa lý, dân cư, dịch bệnh… trên địa bàn đòi hỏi phải phát triển mạnh hệ thống y tế cả về chữa bệnh, vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường.
Trung tá Dương Văn Thiện, Chủ nhiệm Quân y Vùng 5 Hải quân cho biết: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự tín nhiệm của nhân dân, các thầy thuốc quân y Vùng 5 đã chủ động vươn xuống cơ sở, vươn ra ngư trường (trên diện tích hơn 150.000km2, thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau), đảm nhận từ cấp cứu ban đầu đến cứu chữa cơ bản, chứ không “chờ” người bệnh đến.
Những năm qua, Đội điều trị 78, cùng với phục vụ cán bộ, chiến sĩ và thân nhân, còn tích cực khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai, thảm họa, các tình huống khẩn cấp... Tuy nhiên, cơ sở vật chất của đội chủ yếu là nhà cấp 4, đã xuống cấp qua nhiều năm sử dụng, trang thiết bị cũ và thiếu. Việc đầu tư xây dựng Bệnh viện QDY 78, Vùng 5 Hải quân (trên cơ sở Đội Điều trị 78) là rất cần thiết.
Chúng tôi được biết, Quân chủng Hải quân đã lập đề án xây dựng Bệnh viện QDY 78 trình Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế. Mong rằng, dự án sẽ sớm được phê duyệt, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng thu dung cấp cứu, điều trị cho LLVT, đồng thời tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân, ngư dân; cùng y tế địa phương tham gia hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... ở địa bàn chiến lược trọng yếu, vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc.
Bài và ảnh: Quân Thủy - Văn Dương