QĐND -  Ngay sau ngày 15-8-2011, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 158 về thực hiện một số chế độ, chính sách góp phần chăm sóc đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc mong muốn tìm hiểu rõ hơn về thông tư này.

Trợ cấp 830 nghìn đồng/người /quý

Theo thống kê của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (TCCT): Cả nước có 2.260 đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng (dưới đây gọi chung là cán bộ quân đội nghỉ hưu) mắc bệnh hiểm nghèo, hiện cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc ra đời của thông tư thể hiện rõ sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, phần nào giúp cán bộ quân đội nghỉ hưu và thân nhân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh thông tư này, Đại tá Đào Tô Hiệu, Phó trưởng Phòng Hậu phương Quân đội, Cục Chính sách, thuộc Tổng cục Chính trị  cho biết:

- Thông tư quy định rõ, cán bộ quân đội nghỉ hưu khi mắc các bệnh hiểm nghèo nằm trong danh mục Bộ Quốc phòng quy định, sau khi tiến hành các thủ tục giám định cần thiết, nếu đủ điều kiện Chính ủy Bộ CHQS các tỉnh sẽ ra quyết định công nhận cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo và được hưởng trợ cấp kể từ ngày ký quyết định. Mức trợ cấp một người/quý bằng một tháng tiền lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ tại thời điểm chi trả, hiện nay là 830.000 đồng. Bộ CHQS tỉnh có trách nhiệm hằng quý chuyển số tiền trợ cấp trên đến tận tay đối tượng. Ngoài ra, khi điều trị tại các bệnh viện của quân đội, đối tượng còn được hưởng phần chênh lệch giữa tiền ăn bệnh lý và tiền ăn cơ bản do bệnh viện thanh toán, hiện nay tiền ăn cơ bản là 37.000 đồng/ngày/người, số tiền ăn theo bệnh lý tăng lên bệnh nhân không phải chi trả. Vào dịp Tết Nguyên đán, cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo được Bộ Quốc phòng tặng quà theo mức quy định tại thời điểm, hiện nay là 200.000 đồng/suất quà.

Điều trị quân nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện 354, Tổng cục Hậu cần.

 

Thủ tục xét duyệt 20 ngày

Để được hưởng chế độ trên, thông tư quy định: Cán bộ quân đội nghỉ hưu hoặc thân nhân phải làm một bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị xét hưởng chế độ hiểm nghèo; bản sao bệnh án hoặc sổ sức khỏe, các xét nghiệm; bản sao quyết định nghỉ hưu hoặc phiếu đăng ký cán bộ quân đội nghỉ hưu và nộp về Ban CHQS xã, phường.

  Ban CHQS xã, phường nơi cư trú tiếp nhận và chuyển hồ sơ hợp lệ đến Ban CHQS cấp quận, huyện trong thời gian 5 ngày. Tại Ban CHQS quận, huyện kiểm tra hồ sơ và tình trạng bệnh tật trên hồ sơ theo quy định; lập danh sách đối tượng (kèm theo hồ sơ) báo cáo Bộ CHQS tỉnh, thành phố trong thời hạn 5 ngày. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban chính sách tiếp nhận hồ sơ và danh sách do Ban CHQS quận, huyện chuyển đến; kiểm tra, thẩm định, tổ chức giám định theo quy định. Nếu đủ điều kiện thì lập biên bản kết luận từng trường hợp trình Chính ủy Bộ CHQS cấp tỉnh ký quyết định công nhận cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo trong thời hạn 10 ngày làm việc. Và tổng hợp danh sách báo cáo về Phòng Chính sách, Cục Chính trị các quân khu.

Nói về việc tổ chức giám định bệnh hiểm nghèo, Đại tá Đào Tô Hiệu cho biết:

- Việc tổ chức giám định bệnh hiểm nghèo do Hội đồng Giám định của Bộ CHQS tỉnh thành lập. Hội đồng tổ chức giám định thông qua hai hình thức: Giám định thông qua hồ sơ, căn cứ vào bản sao bệnh án, các xét nghiệm liên quan của bệnh viện dân y từ tuyến quận, huyện hoặc các bệnh viện quân đội nơi đối tượng đã điều trị. Xem xét kỹ nội dung khám, xét nghiệm, chẩn đoán chuyên môn trong bản sao bệnh án để đối chiếu và kết luận giám định theo danh mục bệnh hiểm nghèo; tiến hành giám định trực tiếp khi không có hồ sơ bệnh án của bệnh viện, Hội đồng khám giám định trực tiếp tại gia đình hoặc các cơ sở y tế bằng hình thức khám lâm sàng và xét nghiệm cần thiết, kết luận giám định theo tiêu chuẩn. Nếu trong giám định, Hội đồng không thống nhất được kết luận thì chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa cấp quân khu giải quyết.

Danh mục bệnh hiểm nghèo:

1. Bệnh ung thư: Ung thư các loại phát triển đến giai đoạn cuối, đã có di căn ở nhiều cơ quan, vượt khả năng điều trị triệt để.

2. Bệnh về thần kinh: Liệt vận động tứ chi, nửa người, hai chi dưới vĩnh viễn do các loại nguyên nhân; bệnh Pa-kin-sơn.

3. Bệnh gan: Xơ gan giai đoạn mất bù gây biến chứng nặng như cổ trướng, chảy máu đường tiêu hóa tái phát. Suy gan vàng da kéo dài, cơ thể suy kiệt nặng.

4. Bệnh thận: Suy thận mãn giai đoạn 4 mất bù hoàn toàn. Có chỉ định ghép thận hoặc lọc máu có chu kỳ.

 5. Bệnh nội tiết: Đái tháo đường tuýp I, II giai đoạn cuối, không đáp ứng điều trị đã có biến chứng nặng ở mắt, tim, thận, mạch máu, cơ thể suy kiệt nặng.

6. Các bệnh phổi: Giãn phế quản phổi lan tỏa hai phổi, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối, khó thở thường xuyên, xơ phổi rộng lan tỏa cả hai phổi, lao xơ hang BK kháng thuốc. Các bệnh phổi mãn tính hiểm nghèo trên đã có biến chứng nặng nề như: Suy hô hấp mãn tính, với những đợt suy hô hấp cấp xuất hiện thường xuyên, suy kiệt nặng thường xuyên phải vào viện điều trị.

7. Bệnh tuần hoàn: Suy tim độ 4 mất bù hoàn toàn, viêm tắc động mạch chi đã có biến chứng hoại tử, phải phẫu thuật cắt cụt một hoặc nhiều chi. 

8. Bệnh lão khoa: Mất trí nhớ hoàn toàn ở người già phải có người phục vụ, bệnh thoái hóa khớp ở người già đã có di chứng cứng khớp, bất lực vận động hoàn toàn phải di chuyển bằng xe lăn.

9. Bệnh tâm thần: Bệnh tâm thần phân liệt nặng, thể di chứng, sa sút trí tuệ và tan rã nhân cách hoàn toàn.

10. Bệnh mắt: Mù vĩnh viễn hoàn toàn hai mắt do các nguyên nhân.

11. Bệnh da liễu: Xơ cứng bì toàn thể tiến triển, đã có biến chứng viên loét da không hồi phục. Bệnh phong ở giai đoạn đã có biến chứng viêm loét da, cụt các đầu chi.

 12. Các thương tích gây hậu quả nặng nề: Cụt hai chi thể (hai tay, hai chân hoặc một tay và một chân) trừ những người đã được hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, tai nạn lao động đã được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

 

Đánh giá về kết quả ban đầu các địa phương thực hiện thông tư, Đại tá Ngô Công Đoàn, Trưởng phòng Hậu phương quân đội, Cục Chính sách, TCCT cho biết:

- Thông tư lần này quy định rõ thời gian tiếp nhận và xử lý hồ sơ, qua ba cấp tối đa không quá 20 ngày, hơn nữa thủ tục giải quyết chỉ gồm ba loại giấy tờ, điều đó giúp các đối tượng nhanh chóng được hưởng chế độ, thân nhân các đối tượng không phải mất nhiều thời gian lo thủ tục.

Tuy nhiên, cũng theo Đại tá Ngô Công Đoàn: Việc đơn giản hóa thủ tục tạo thuận lợi cho cả cơ quan chức năng và gia đình nhưng sẽ nảy sinh tình trạng hồ sơ dễ bị giả mạo. Qua phản ánh của nhân dân, còn một số nơi Hội đồng Giám định chưa tiến hành kịp thời, chưa nghiêm túc trong giám định, gây bức xúc trong dư luận. Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các đoàn thể chính trị ở địa phương để bảo đảm sự công bằng trong thẩm định./.

Bài và ảnh: Duy Thành