QĐND Online - Gần 5 năm nay, vào mỗi sáng thứ 3, thứ 5, thứ 7 hằng tuần, phòng khám Đông y Tuệ Tĩnh Đường (thuộc thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) lại tổ chức thăm khám, châm cứu và cấp phát thuốc miễn phí, cứu chữa cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo vượt qua cơn bạo bệnh.
Vùng đất Hòa Sơn, huyện Hòa Vang là xã còn nhiều khó khăn của TP Đà Nẵng. Người dân nơi đây chủ yếu kiếm sống bằng nghề chẻ đá, vốn vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm rình rập. Công việc nặng nhọc, dầm mưa, dãi nắng khiến nhiều người đổ bệnh và cũng vì quá nghèo nên họ không có đủ tiền chữa trị đến nơi đến chốn.
Xuất thân trong một gia đình có nhiều đời làm nghề Đông y, sư cô Thích Nữ Chúc Hiền (trụ trì chùa Lộc Quang) với tấm lòng nhân hậu đã cùng với Hội Đông y huyện Hòa Vang thành lập Tuệ Tĩnh Đường, khám và cấp phát thuốc nam miễn phí cho dân nghèo. “Lúc mới thành lập, Tuệ Tĩnh Đường gặp không ít khó khăn vì cơ sở khám chữa bệnh vừa mới hoạt động nên còn thiếu thốn nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Thời gian đó, tôi một mặt vừa vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân ủng hộ vật chất, tinh thần cho phòng khám, mặt khác, liên hệ tìm người hái thuốc để cung cấp dược liệu cho phòng khám. Vất vả nhiều thứ nhưng thấy bệnh nhân đến mỗi ngày một đông nên trong lòng tôi thấy rất vui."
 |
Phòng châm cứu cho các bệnh nhân nghèo.
|
Cảm động trước tấm lòng hướng thiện của sư cô, nhiều lương y gần xa đã đến và tình nguyện chung sức cùng sư cô thăm khám và bốc thuốc cho bệnh nhân nghèo mà không hề lấy một khoản thù lao nào. Đến nay, Tuệ Tĩnh Đường đã có 5 lương y thay nhau túc trực để mang đến niềm hy vọng khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân. Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… vẫn lặn lội vượt hàng trăm cây số đến chữa trị tại Tuệ Tĩnh Đường. Lương y Trần Phước Ngọc nhớ lại: “Cách đây 1 năm, một bệnh nhân từ vùng đất Bình Sơn (Quảng Ngãi) xa xôi tìm đến phòng khám mà không có người nhà đi cùng. Gặng hỏi mãi, chúng tôi mới biết họ là người già neo đơn, không nơi nương tựa. Vậy là, chúng tôi để họ ở lại chùa điều trị, khi khỏi bệnh mới cử người đưa họ về đến tận nhà.”
Cũng theo các lương y gắn bó tại Tuệ Tĩnh Đường suốt 5 năm nay, có một trường hợp bệnh nhân vào khám mà ai cũng nhớ mãi. Đó là em Trần Việt Dưỡng (18 tuổi) bị tai nạn giao thông khiến chấn động não dẫn đến bị câm, không thể nói được. Bố Dưỡng cõng em đến Tuệ Tĩnh Đường mà nước mắt lưng tròng, khẩn cầu các lương y cứu chữa. Cũng vì hoàn cảnh quá nghèo, không đủ điều kiện kinh tế để chữa trị ở các bệnh viện lớn, nên gia đình đã đưa em vào đây. Sau một tháng điều trị bằng châm cứu, thủy châm, với sự tận tình của các lương y giàu kinh nghiệm, Dưỡng đã có thể nói trở lại. Ngày em gọi tiếng “Ba ơi” cũng là lúc niềm vui như vỡ òa với gia đình em và phòng khám bệnh. Cũng thật bất ngờ, bố của Dưỡng đã tình nguyện làm công việc phụ giúp các lương y ở Tuệ Tĩnh Đường suốt đời như là cách để tri ân với các lương y, tri ân với cuộc đời đã cứu rỗi con trai mình.
 |
Các lương y bốc thuốc miễn phí.
|
Mỗi bệnh nhân đến Tuệ Tĩnh Đường đều được cấp phát một sổ khám bệnh để có thể quay lại tái khám, điều trị bằng phương pháp châm cứu và cũng là cách để các lương y theo dõi bệnh, từ đó có những dặn dò thích hợp. Ông Nguyễn Á (60 tuổi, quê xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) cho biết: “Tôi bị chứng bệnh đau cột sống, đã từng điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng vẫn không hiệu quả, nghe bà con chòm xóm chỉ đến Tuệ Tĩnh Đường nên tôi tìm đến khám thử. Sau 2 tháng điều trị bằng thuốc nam, kết hợp châm cứu nên bệnh tình của tôi đã giảm hẳn.”
Sau khi được chữa trị khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân lại thường xuyên quay lại Tuệ Tĩnh Đường để ủng hộ những cây dược liệu thuốc nam quý do mình kiếm được để có thể cứu chữa kịp thời những người cùng cảnh ngộ như mình.
5 năm đi vào hoạt động, số lượng người đến với Tuệ Tĩnh Đường ngày một đông. Các lương y ở đây cho biết, nhiều hôm phải làm việc đến buổi chiều và quên cả ăn trưa để phục vụ nhiều lượt bệnh nhân đến khám, nhất là các bệnh nhân ở xa. Lương y Nguyễn Anh Dũng, dù có vợ hay đau ốm và con còn nhỏ, nhưng vẫn rất đều đặn đến thăm khám và châm cứu cho các bệnh nhân nghèo.
Lương y Phan Văn Bốn, Chủ tịch Hội Đông y huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, cho biết: Mô hình phòng khám Tuệ Tĩnh Đường là một cách làm hay và có tính nhân văn sâu sắc đối với nhiều bệnh nhân nghèo đến từ nhiều vùng còn khó khăn của huyện Hòa Vang. Đến nay, chúng tôi đã nhân rộng mô hình này thêm 3 điểm nữa ở xã Hòa Nhơn, Hòa Phong và nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa ở xã Hòa Phú. Các lương y của Hội luôn tích cực tìm tòi nhiều phương pháp chữa bệnh hiệu quả để cứu thêm nhiều bệnh nhân nghèo.”
Bài và ảnh: VĨNH HÀN