Đã hơn 80 tuổi nhưng Đại tá Nguyễn Thành Tâm, nguyên Phó đại đội trưởng Đại đội 440 (LLVT huyện Bắc Bình) vẫn nhớ như in ký ức ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận. Niềm vui ấy thật khó tả. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn 3 xã: Hàm Liêm, Hàm Hiệp, Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc) là cửa ngõ tiếp giáp với TP Phan Thiết. Địch tìm cách chiếm đất, giành dân, đẩy ta ra xa TP Phan Thiết, còn ta chủ động áp sát, mở rộng vùng giải phóng, trở thành nơi giao tranh ác liệt. Chiến tranh kết thúc, nơi đây bị tàn phá nặng nề, đầy hố bom, ruộng vườn hoang hóa... Không cam chịu đói nghèo, quân, dân đoàn kết rà phá bom, mìn, cải tạo đất, lựa chọn giống cây trồng phù hợp, có khả năng chịu hạn, năng suất cao, có giá trị xuất khẩu.

Trồng thanh long tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Tỉnh Bình Thuận nắng, gió quanh năm, là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Điều kiện tự nhiên bất lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội, nhưng với tinh thần đoàn kết, không chịu lùi trước gian khổ, khó khăn, Đảng bộ, dân và quân Bình Thuận đã biến khó khăn thành thế mạnh, tiềm năng phát triển. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tạo đồng thuận, chung sức, đồng lòng của nhân dân; xây dựng nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, y tế, thiết chế văn hóa tại các vùng nông thôn, vùng căn cứ cách mạng, tạo tiền đề cho sự phát triển. Các địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp, đã chủ động quy hoạch, xây dựng chuỗi liên kết, hình thành các tổ, hợp tác xã sản xuất, thường xuyên rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, chuyển đổi giống, cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo thành vùng nguyên liệu chuyên canh thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay Bình Thuận có hơn 30.000ha thanh long, sản lượng hơn 600.000 tấn/năm, trong đó diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm hơn 30%, hình thành 500 tổ, hợp tác xã. Quá trình phát triển, địa phương luôn quan tâm xây dựng cơ chế chính sách, cải cách hành chính, thu hút đầu tư, giải quyết các bức xúc, khó khăn, nâng cao đời sống nhân dân và lợi ích chính đáng của từng bộ phận, thành phần kinh tế. 

Đội tàu đánh bắt hải sản tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Vùng quê gió cát mặn mòi ngày trước, giờ đây khởi sắc mạnh mẽ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, khai thác thế mạnh phát triển du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản, trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo. Những năm gần đây, Bình Thuận đã mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong phát triển trung tâm năng lượng tái tạo lớn của cả nước, nhất là về điện mặt trời, điện gió… Tính đến cuối năm 2019, tỉnh Bình Thuận đã có hơn 100 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư (trong đó 88 dự án điện mặt trời và 20 dự án điện gió) với tổng công suất hơn 6.800MW với tổng mức đầu tư gần 176.000 tỷ đồng.

Bằng nhiều biện pháp thực hiện quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm nội địa) năm 2019 của Bình Thuận tăng 11,1%, đạt mức cao nhất từ năm 2010 đến nay. Kinh tế tỉnh Bình Thuận phát triển hiệu quả, bền vững; đời sống nhân dân ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, trở thành một trong những địa phương phát triển ấn tượng theo hướng công nghiệp hiện đại, có cơ cấu kinh tế, dịch vụ, công, nông nghiệp phù hợp.  

Bài và ảnh: DUY HIỂN